Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:43:02

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG QUÂN KHU – 70 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

Ngày đăng: 16/04/2016

Bài 1. Sự hình thành, phát triển của Lực lượng vũ trang Quân khu 2, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945- 1954)

QK2 –  Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội trước toàn thể quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), từ thời điểm này đất nước bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập tự do, kết thúc sự cai trị của chính quyền thực dân và phong kiến.

Sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là thành quả của phong trào cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Việt Nam do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo đó là thắng lợi của một dân tộc thuộc địa, dám vùng lên chống lại ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân đế quốc.

Cách mạng tháng Tám thành công, hầu hết các địa phương trên cả nước đều giành được chính quyền về tay nhân dân lao động. Nhưng trên địa bàn Quân khu các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và thị xã Vĩnh Yên, do tổ chức đảng  và cơ sở cách mạng chưa đủ mạnh nên không có khởi nghĩa hoặc khởi nghĩa không thành công. Tình hình các địa phương trên địa bàn Quân khu vào thời điểm này diễn ra vô cùng phức tạp, phong trào cách mạng đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Trên địa bàn Quân khu từ tháng 11/1945, hai tiểu đoàn quân Pháp đã từ Vân Nam – Trung Quốc kéo vào Lai Châu chiếm đóng với ý đồ chiếm lại toàn bộ vùng Tây Bắc. Trước tình hình Tổ quốc lâm nguy, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vững vàng trên con thuyền cách mạng, vượt qua ghềnh thác, lãnh đạo toàn thể dân tộc, tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, khôn khéo dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, để bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám.

Như vậy vấn đề cấp bách được đặt ra cho quân và dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu lúc này là: Tiếp tục củng cố chính quyền cách mạng ở những địa phương đã giành được chính quyền về tay nhân dân; còn những nơi ta chưa giành được chính quyền thì nhanh chóng đấu tranh để thiết lập chính quyền về tay nhân dân, đồng thời kiên quyết chống lại âm mưu của thực dân Pháp và các thế lực phản động.

 Công tác xây dựng lực lượng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược  và bọn phản động tay sai.

Tháng 10 năm 1945, Chính phủ quyết định thành lập các Chiến khu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 11 để lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu; các tỉnh Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang thuộc Chiến khu 1. Tỉnh Sơn La, Lai Châu  cùng với các tỉnh khác thuộc Chiến khu 2.

Trong một thời gian ngắn (từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946) các đơn vị Vệ quốc đoàn lần lượt ra đời gồm: Chi đội giải phóng quân Trưng Trắc ở Vĩnh Yên, Chi đội giải phóng quân Trần Quốc Toản ở Phú Thọ, Chi đội giải phóng quân 3 ở Sơn La sau này trở thành Trung đoàn 148 Sư đoàn 316. Tháng 11/1945 Trung ương Đảng quyết định thành lập mặt trận Tây Bắc để ngăn chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược.

Ngày 19/10/1946 Chiến khu 10 được thành lập do đồng chí Bằng Giang là Tư lệnh, đồng chí Xuân Thu là Chính trị uỷ viên.

Trước những thay đổi của tình hình chiến sự cả nước và để phù hợp với điều kiện mới của cuộc kháng chiến, Đảng và Chính phủ quyết định phân chia lại các đơn vị hành chính và quân sự. Tháng 9/1947 huyện Mai Đà (Hòa Bình) và vùng tây nam Phú Thọ của Khu 10 sát nhập với Sơn La, Lai Châu thành Khu 14.

Từ năm 1948 thực hiện chỉ thị của trên, Khu 10 và Khu 14 được sát nhập thành Liên khu 10. Lúc này địa bàn Liên khu 10 gần như trùng với địa bàn  Quân khu 2 hiện nay. Đồng chí Bùi Quang Tạo là Bí thư liên khu uỷ kiêm Chủ tịch uỷ ban hành chính kháng chiến khu, đồng chí Bằng Giang là Tư lệnh Liên Quân khu, đồng chí Lê Trọng Tấn là Liên khu phó.

Tháng 11/1949 do yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, Liên khu 10 và Liên khu 1 sát nhập thành Liên khu Việt Bắc, ngoài Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng Tây Bắc, Trung ương quyết định thành lập thêm Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Bắc đảm nhiệm chỉ huy tác chiến trên 4 hướng ở các tỉnh: Sơn La, Lai châu, Yên Bái, Lào Cai; đồng chí Bằng Giang được cử làm Tư lệnh, đồng chí Song Hào làm Chính uỷ.

 Lực lượng vũ trang Quân khu tham gia đấu tranh chống phá hoại của bọn phản động tay sai.

Với dã tâm trở lại xâm lược Việt Nam, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, ở miền Bắc 20 vạn quân Tưởng, lấy danh nghĩa quân đồng minh tràn vào giải giáp quân đội Nhật, hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu diệt Việt Minh, giúp tay sai lật đổ chính quyền nhân dân còn non trẻ. Trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám.

Trên địa bàn Quân khu, ngày 13/6/1948 quân và dân thị xã Yên Bái đã tấn công vào sào huyệt của Quốc Dân Đảng, giải phóng hoàn toàn thị xã Yên Bái khỏi sự kiểm soát của Quốc Dân Đảng.

Tháng 8/1946 thực hiện chủ trương của trên, LLVT Liên khu 1 đã tổ chức chiến dịch dẹp trừ Quốc Dân Đảng phản động trên dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai; đồng chí Bùi Quang Tạo, xứ uỷ viên  Bắc Kỳ và đồng chí Bằng Giang – Tư lệnh khu, trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp, quân và dân ta đã lần lượt giải phóng thị xã Vĩnh Yên, Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái, Phố Lu, Lào Cai.

Trong quá trình tiến lên giải phóng Lào Cai, các đơn vị lực lượng vũ trang Khu 10 đã tích cực chủ động chiến đấu dũng cảm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung trong cuộc chiến đấu chống Quốc Dân Đảng phản động.

Ở Hà giang đã tổ chức một Đại đội cảnh vệ, quân số 500 người phối hợp chặt chẽ với chủ lực Chiến khu tiến hành bao vây khoanh vùng đấu tranh làm tan giã tổ chức và bắt giữ xử lý những tên đầu sỏ phản động tay sai, đến đầu năm 1947 các lực lượng vũ trang Hà Giang  cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn xoá sổ các nhóm phản động tay sai Quốc Dân Đảng.

Thắng lợi cuộc đấu tranh gian khổ quyết liệt chống quân Tưởng và bè lũ phản động Quốc Dân Đảng trong những năm 1945 – 1946 thể hiện sách lược đấu tranh tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho LLVT và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiến đấu chống thực dân Pháp quay lại xâm lược, góp phần đánh bại chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của chúng.

Sau cách mạng tháng Tám thành công, LLVT của ta còn rất non trẻ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, điều kiện sinh hoạt và các mặt bảo đảm khác còn nhiều thiếu thốn. Song được sự yêu thương đùm bọc và giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, LLVT đã anh dũng chiến đấu chống lại cuộc hành binh lấn chiếm của thực dân Pháp cũng như các hành động phá hoại, khiêu khích của các thế lực phản động.

Thu đông năm 1947 quân và dân Khu 10, Khu 11, Khu 14 đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt phần lớn cánh quân Com – muy – nan, bẻ gãy “gọng kìm Sông Lô” trong chiến dịch tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp. Trung đoàn 148 tích cực chặn đánh địch bảo vệ tây nam Phú Thọ. Trung đoàn 92 Phú Yên chiến đấu ngoan cường chặn đứng các cuộc tiến công của địch từ Nghĩa Lộ, Than Uyên ra phía ven hữu ngạn Sông Hồng. Trung đoàn 87, Trung đoàn 112 và các Trung đội pháo binh của Quân khu đã tổ chức nhiều trận phục kích, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề trên đường số 2 và Sông Lô.

Đến tháng 12/1947 gọng kìm phía tây của giặc Pháp đã bị bẻ gãy. Quân và dân Khu 10 đã viết nên bản hùng ca Sông Lô hào hùng với những chiến thắng Khoan Bộ, Đoan Hùng, Bình Ca, Khe Lau, Mác Khan…Trên mặt trận Sông Lô quân và dân Khu 10 đã diệt 1.200 tên địch, bắn chìm và cháy 15 tàu chiến các loại của thực dân Pháp.

Năm 1950 LLVT Tây Bắc phối hợp chặt chẽ với lực lượng chủ lực của Bộ mở chiến dịch Lê Hồng Phong 1 và chiến dịch Lê Hồng Phong 2, giải phóng toàn bộ tỉnh Lào Cai, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) và một phần của tỉnh Yên Bái.

Tháng 3/1948 Liên khu uỷ, Bộ Tư lệnh Liên khu đã quyết định mở chiến dịch Nghĩa Lộ, kết quả là ta đã buộc địch phải rút khỏi 7 vị trí, gọi hàng 163 nguỵ binh. Trong chiến dịch Sông Đà tháng 2/1949, chiến dịch Sông Thao tháng 3/1949 và các chiến dịch khác với quy mô vừa và nhỏ, các đơn vị của ta đã đánh 436 trận, diệt 2.683 tên, bắt sống 353 tên, gọi hàng 562 tên, thu 500 súng các loại, 6 tấn đạn và nhiều quân dụng khác. Phá vỡ mảng lớn tuyến phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Bắc.

Từ ngày 8/2 – 10/3/1950, Bộ Tư lệnh  mặt trận Tây Bắc tiếp tục mở chiến dịch Lê Hồng Phong 1 do đồng chí Bằng Giang Tư lệnh mặt trận Tây Bắc làm chỉ huy trưởng, đồng chí Song Hào Chính uỷ mặt trận Tây Bắc làm Chính uỷ chiến dịch. Kết quả đã tiêu diệt 470 tên địch, làm bị thương 230 tên, bắt và gọi hàng 191 tên, phá và thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng của địch giải phóng trên 1000 km2 với hơn 1 vạn dân.

Cuối năm 1950, đầu năm 1951, LLVT Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Hưng Đạo giải phóng một phần phía bắc tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 3/1951 Trung đoàn 148 cùng bộ đội địa phương các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đuổi đánh hơn 1000 tàn quân của Tưởng Giới Thạch tràn sang đất ta, tiêu diệt hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí các loại.

Trong chiến dịch Lý Thường Kiệt (tháng 10/1951), tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc (năm 1952) ta đã tiêu diệt 1.005 tên địch, bắt sống 5.024 tên, diệt gọn 4 tiểu đoàn và 24 đại đội, đánh thiệt hại nặng nề nhiều tiểu đoàn cơ động của địch, giải phóng vùng đất rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân.

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1953, phối hợp với bộ đội chủ lực, quân và dân Tây Bắc đã tiến công phỉ ở khắp nơi tiêu diệt trên 7.000 tên phỉ, hoàn thành tốt nhiệm vụ tiễu phỉ, trừ gian ở Tây Bắc.

Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" tung bay trên nóc hầm tướng chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

Trong chiến dịch Thu – Đông (1953 – 1954) mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, với tinh thần ” Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tự nguyện tham gia đóng góp nhiều sức người sức của cho chiến dịch: 7.310 tấn gạo ( vượt chỉ tiêu 347 tấn, bằng hơn ¼ số lượng gạo toàn chiến dịch), 389 tấn thực phẩm, huy động 27.657 dân công vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Các đơn vị Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 đã trực tiếp tham gia chiến dịch với những trận đánh xuất sắc trên đồi A1, A3, C1, C2 và sân bay Mường Thanh. Đặc biệt trên đồi A1 – cao điểm phòng ngự then chốt trên hướng Đông của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở đây diễn ra giằng co hết sức gay go, ác liệt. Khối bộc phá gần 1.000 kg do bộ đội ta đào hầm và đặt trong lòng đồi A1 được phát nổ là hiệu lệnh xung phong toàn mặt trận, tổng công kích vào sở chỉ huy của quân Pháp, bắt sống tướng Đờ – cat – xtơ – ri.

Quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ ne vơ, chấm dứt gần một thế kỷ xâm lược đất nước ta.

(Bùi Thủy – Theo tài liệu tuyên truyền của Phòng Tuyên huấn Quân khu)

Bài 2: LLVT Quân khu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.