Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 10:10:17

Lối sống thực dụng, ích kỷ – Con đường ngắn nhất dẫn đến suy thoái

Ngày đăng: 13/12/2022

Kỳ 2: Đấu tranh không khoan nhượng

QK2 – Đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, thực dụng, ích kỷ của mỗi cơ quan, tổ chức là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài bền bỉ, kiên trì mới có thể thành công. Bởi căn bệnh này hiện khá phổ biến, có khi đang tồn tại ngay trong mỗi con người để chờ thời cơ trỗi dậy. Do vậy, chúng ta không chỉ đẩy lùi mà cần phải quét sạch những người mắc căn bệnh trầm kha này ra khỏi tổ chức, làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Cựu chiến binh xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc nói chuyện truyền thống với học sinh địa phương.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, bệnh ích kỷ được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong 12 bệnh mà nếu mắc phải sẽ làm hỏng việc. Bác coi bệnh ích kỷ cũng như bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi là kẻ địch của tổ chức Đảng và nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc nhở “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Người biết trọng danh dự, liêm sỉ luôn đối nghịch với người có lối sống thực dụng, ích kỷ. Người đảng viên cộng sản chân chính luôn gìn giữ thanh danh, phẩm giá trước mọi cám dỗ vật chất, tiền bạc, không có gì có thể đánh đổi, mua chuộc được họ.

Đấu tranh với những người thực dụng, ích kỷ vô cùng khó khăn, phức tạp vì ranh giới giữa người công minh, chính trực vì lợi chung của Đảng, của dân tộc với người có bản tính ích kỷ, hẹp hòi rất gần nhau. Đôi lúc khó nhận biết, khó phân biệt bởi những chiêu trò tinh vi, xảo trá lồng luồn, đan xen lẫn nhau. Người có thói ích kỷ, thực dụng thường không coi trọng thanh danh, phẩm giá mà thường “yêu của, ghét người”. Các cơ quan, tổ chức mà không nhận biết rõ, sử dụng những con người này, nhất là vào làm những công việc nhạy cảm, liên quan nhiều đến nhân sự, vật chất, kinh phí, xăng dầu, đất đai, tài nguyên thì việc người đó lo vun vén cá nhân chỉ là sớm hay muộn.

Một số cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ cấp cao trong thời gian vừa qua bị kỷ luật, bị truy tố trách nhiệm hình sự đã để lại những bài học sâu sắc về tinh thần đấu tranh của đảng viên, tổ chức Đảng. Nhiều người không dám lên tiếng, không dám đấu tranh, thậm chí còn làm ngơ trước những sai trái của đồng chí, đồng đội. Trong các tổ chức Đảng, có đảng viên vi phạm nếu mỗi đảng viên phát huy được tinh thần đấu tranh, có dũng khí, dám đương đầu  với những biểu hiện sai trái, lệch lạc bất kể người đó là ai; đấu tranh từ trong trứng nước, từ việc nhỏ, thì sẽ giữ được cán bộ và giúp người đó không mắc phải những sai phạm lớn, không bị khai trừ ra khỏi Đảng, không bị “bóc lịch” trong chốn lao tù.

 Hằng năm, các tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở đều tổ chức đánh giá, bình xét tổ chức Đảng và đảng viên nhưng vẫn không tìm ra khuyết điểm của đồng chí, đồng đội mình, hay là đã “ngậm miệng ăn tiền”. Phải chăng do không phát hiện ra hay cố tình không nhận ra? Rất cần mỗi đảng viên có đủ bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, thẳng thắn phê bình, góp ý cho đồng chí mình sửa chữa, khắc phục. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao với tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Như vậy mới đạt kết quả vững chắc thực sự.

Các tổ chức Đảng cần làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, quản lý đảng viên; thực hiện tốt quy chế lãnh đạo các mặt trọng yếu, không để cá nhân lạm dụng hoặc lộng quyền trong thực thi công vụ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để không thể tham nhũng, tiêu cực; từng bước xây dựng cơ chế để không dám và không cần tham nhũng.

Quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính trong tổ chức Đảng, chính quyền; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định, nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; làm tốt việc đấu tranh phê bình và tự phê bình. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả kiểm tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người cán bộ chủ trì; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân; kiên quyết thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản hằng năm của cán bộ, đảng viên, nhất là trước khi bầu cử, bổ nhiệm, điều động cán bộ; công khai, minh bạch tài sản của cán bộ theo đúng quy định. Tiến hành số hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, tăng cường các biện pháp quản lý tài sản công.

 Chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng trong cán bộ, đảng viên phải luôn gắn chặt với đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Để Đảng ta đủ “tâm”, đủ “tầm” và đủ “tín” lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là việc gì lý thuyết, cao siêu mà là những công việc, nhiệm vụ rất cụ thể để mỗi tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, có những đảng viên gương mẫu, tiên phong. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xóa bỏ thói hư tật xấu hay xử lý kỷ luật, truy tố cán bộ, đảng viên vi phạm là công việc thường xuyên, cần phải làm như là quét nhà, rửa mặt hằng ngày. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đảng ta là Đảng của Bác Hồ, không có mục đích nào khác là vì nước vì dân”.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.