Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 02:00:57

Lễ Nhảy lửa của người Dao đỏ

Ngày đăng: 07/12/2020

QK2 – Lễ Nhảy lửa là một nghi lễ độc đáo được bà con dân tộc Dao đỏ ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên lưu giữ đến tận ngày nay. Mỗi năm, đồng bào dân tộc nơi đây lựa chọn một ngày tốt trong năm để tổ chức và thường vào cuối năm hoặc đầu xuân năm mới cầu thần Lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Đốt củi phục vụ nghi lễ Nhảy lửa.

Ngay từ sáng sớm, khi con gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên, những người phụ nữ trong gia đình tất bật giúp nhau diện trang phục truyền thống, còn đàn ông có nhiệm vụ chuẩn bị đồ cúng mang đến lễ. Mâm lễ phải có đầy đủ bao gồm: Một cái đầu lợn (hoặc lợn con), bát hương, nước trắng, rượu và năm cái chén, giấy dó tượng trưng vàng bạc âm phủ, quẻ âm dương (bằng một đoạn tre bổ đôi), 2 hào bạc, gạo đã được gói trong túm vải… Khi giờ tốt đến, dưới sự chủ trì của thầy cúng chính trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc sẽ thực hiện các nghi thức cúng lễ trước bàn thờ tổ tiên và mâm lễ. Trong suốt quá trình này, trống, chiêng là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu, tiếng nhạc được xem như cầu nối, giúp các vị thần linh về chung vui với dân bản. Nghi lễ cúng rất quan trọng, vì thế sẽ được thực hiện nhiều lần, với nhiều nghi thức.

Trước khi buổi lễ bắt đầu, một đống củi lớn đã được đốt lên ở khoảng sân rộng; cho đến khi nghi lễ cầu may, cầu phúc của thầy cúng xong, cũng là lúc củi cháy thành đống than hồng rực đỏ. Đối tượng tham gia nhảy lửa chỉ được 8 người, có sư phụ yểm trợ thì mới được. Những người tham gia nhảy lửa phải đảm bảo điều kiện có sức khỏe bình thường, kiêng không ăn thịt chó, không ngủ với phụ nữ trong những ngày chuẩn bị nhảy lửa. Những người muốn được nhảy lửa ngồi hầu lễ phía sau thầy cúng, sau khi thầy cúng xin quẻ âm dương được thần lửa đồng ý, các chàng trai người Dao như được phù phép, trong phút thăng hoa xuất thần họ nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào nhảy giữa đống than hồng rừng rực. Họ nhảy bằng chân trần trên than hồng, nhưng không bị ảnh hưởng gì đến thân thể, và họ coi đó là cánh cửa chạm đến thần linh. Cứ như vậy, người nọ nối tiếp người kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại.

Sau khi nghi thức nhảy lửa là đến nghi thức trình diễn các điệu múa, đây cũng là một nghi thức rất quan trọng trong lễ nhảy lửa của người Dao đỏ. Các điệu múa thể hiện sức mạnh của tướng quân âm binh, biểu dương tinh thần thượng võ và tái hiện lại đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày của người dân. Nghi lễ cuối cùng là việc thầy cúng đốt tiền âm phủ biếu vàng mã để các cụ, ông bà, tổ tiên, các vị thần thánh trở về cõi tiên  và cầu khấn để phù hộ cho gia đình, dòng họ, dân bản mọi sự tốt lành, bảo vệ cuộc sống được thanh bình, yên vui. Sau cùng là phần múa hát thể hiện niềm vui, niềm tin của bản làng qua nghi lễ. 

THU HUYỀN (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.