Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 02:06:25

Lật tẩy chiêu trò lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước

Ngày đăng: 14/12/2020

QK2 – Với chiêu bài “đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền”, thời gian qua, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để công kích, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng đưa ra luận điệu “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, “vi phạm quyền tự do tôn giáo” của người dân; yêu cầu các tôn giáo phải được hoạt động tự do, không cần đặt dưới sự quản lý của Nhà nước…

Chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam là: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. (Nguồn: Vietnamnet)

Chúng vu cáo rằng: “CNXH không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo”; “Pháp luật Việt Nam về tôn giáo, tín ngưỡng chỉ là hình thức, thực chất là cơ sở để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”; “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có hành động đàn áp các tín đồ tôn giáo”… Chúng còn lập nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Blog… để phát tán, đăng tải các bài viết, video, hình ảnh đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng “vạch lá tìm sâu”, cố tình xoáy vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp thanh danh của Đảng, Nhà nước; thậm chí lợi dụng đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo để lôi kéo, tập hợp lực lượng, truyền đạo trái phép, tổ chức biểu tình, thách thức, chống phá chính quyền, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Tất cả nhằm mục đích thêu dệt nên một bức tranh màu xám, méo mó về vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, từ đó kêu gọi quốc tế “gây sức ép”, “can thiệp” vào nước ta.

Đó là những thủ đoạn đầy tinh vi, xảo quyệt trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị. Chúng ta cần hết sức tỉnh táo và hiểu rõ những vấn đề sau:

 Thứ nhất, về việc quản lí tôn giáo, không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều thực hiện điều này. Ở Pháp, Điều 26, Luật của Cộng hòa Pháp quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của các cơ quan chính quyền có chức năng gìn giữ trật tự công cộng. Ở những nơi chuyên vào việc thờ tự và thực hành nghi lễ tôn giáo cấm việc hội họp có tính chất chính trị”. Điều 27 quy định: “Các nghi lễ, các cuộc rước tôn giáo tiến hành bên ngoài khu vực nhà thờ và việc kéo chuông phải tuân theo những quy định của chính quyền tỉnh, thành phố”.

Ở Mỹ, hoạt động của các tổ chức tôn giáo được quản lý theo luật pháp của các bang. “Các cơ quan chính quyền của bang trực tiếp thi hành việc giám sát các hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn hành chính của bang. Chỉ sau khi được chính quyền xem xét, đồng ý cho phép thành lập thì các tổ chức tôn giáo mới được phép hoạt động và có tư cách pháp nhân.”

Thứ hai, trong suốt tiến trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến đời sống đồng bào tôn giáo, đến việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua các thời kỳ cách mạng, tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương nhất quán của Đảng, được Nhà nước thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”… Quan trọng hơn, hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam đã đi vào cuộc sống và được các giáo hội, tu sĩ, chức sắc và tín đồ tôn giáo hết sức hoan nghênh, đồng tình.

Thứ ba, trên thực tế, đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở nước ta hiện nay khá sôi động và đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức khác nhau. Theo Bộ Công An, Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 60 cơ sở đào tạo, có 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. Khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân. Có hàng chục tờ báo, tạp chí liên quan tôn giáo. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Đảng, Nhà nước còn hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hệ thống giáo lý, giáo luật, quy định của pháp luật Việt Nam; tạo điều kiện mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự, mở các trường đào tạo tôn giáo chuyên nghiệp; phát triển giao lưu quốc tế… Không những thế, đối với các dân tộc thiểu số, tự do tôn giáo cũng được đảm bảo. Năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập…

Có thể nói, đây chính là những minh chứng khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Vì vậy, không thể nói đất nước ta xóa bỏ, hạn chế hay đàn áp tôn giáo như các thế lực thù địch đã xuyên tạc.

QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.