Thứ tư Ngày 17 Tháng 04 Năm 2024, 05:40:00

Kỷ vật của Anh hùng Bùi Đình Cư

Ngày đăng: 14/12/2020

QK2 – Bùi Đình Cư sinh năm 1927 ở xã Việt Tiến, Lâm Thao, Vĩnh Phú (nay là xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ). Sau Cách mạng Tháng Tám, từ một thanh niên mới lớn, Bùi Đình Cư nhập ngũ vào Quân đội đầu năm 1949. Ông tham gia chiến đấu và trưởng thành ở Binh chủng Pháo binh. Từ khi nhập ngũ đến kết thúc kháng chiến chống Pháp, Bùi Đình Cư đã trực tiếp tham gia 9 chiến dịch lớn và luôn thể hiện tinh thần hăng say, sáng tạo trong chiến đấu, công tác, lập nhiều chiến công xuất sắc. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công và được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tấm gương chiến đấu của Anh hùng Bùi Đình Cư mãi là niềm tự hào của quân và dân Đất Tổ.

CCB Bùi Văn Bình giới thiệu kỷ vật của Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Đình Cư.

Cựu chiến binh Bùi Văn Bình, Thương binh 4/4, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu 3, thị trấn Phong Châu, Phú Thọ là một trong những chiến sĩ thế hệ  nối tiếp của Bùi Đình Cư. Tại Bảo tàng gia đình của ông Bình hiện nay lưu giữ khoảng 1.500 hiện vật của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương trong chiến tranh, trong đó có một kỷ vật gắn bó với Anh hùng Bùi Đình Cư. Ông Bình kể, vô cùng cảm kích với những câu chuyện về người anh hùng ấy và kỷ vật của người anh hùng Bùi Đình Cư là một trong những hiện vật có ý nghĩa sâu sắc nhất trong bộ sưu tập.

Theo ghi chép của tác giả “Bảo tàng gia đình”, cũng là người đi tìm hiểu, sưu tầm hiện vật, đó là chiếc ca men mang số hiệu số 27 trong sổ sách lưu giữ của Bảo tàng. Chiếc ca men ấy được chính tay mẹ thân sinh Anh hùng Bùi Đình Cư tặng lại (theo số hiệu ghi trên hiện vật, cũng là số lưu trữ trong số cá nhân của ông Bình). Đây là chiếc ca của người cán bộ, sĩ quan chỉ huy trong kháng chiến chống Pháp, là hàng quân nhu viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Trên thành ca có in hình ba lá cờ Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam, lồng vào nhau thể hiện sức mạnh đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa chống chủ nghĩa đế quốc. Trên chiếc ca còn có hai câu khẩu hiệu: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ” và “Kháng chiến nhất định thắng lợi” cùng biểu tượng đôi chim bồ câu hòa bình lồng vào nhau. Chiếc ca men là vật dụng thông thường, tiện dụng của người cán bộ trong chiến đấu, nhưng những thông tin trên chiếc ca tráng men ấy thắm đượm tình đoàn kết, ý chí khát vọng hòa bình và thể hiện lý tưởng sống, chiến đấu, ý chí quyết tâm của những người theo kháng chiến.

Ông Bùi Văn Bình còn kể lại những chi tiết mà Anh hùng LLVT Bùi Đình Cư trong tham gia chiến đấu. Bùi Đình Cư vốn là thanh niên nông thôn vùng trung du Phú Thọ, thường phải sống chung với lũ do nước sông Hồng dâng lên. Chiếc gậy có gắn chạc chữ V ở một đầu là vật dụng quen thuộc sử dụng trong kê, kích các vật dụng chống lũ dâng mà không phải di chuyển. Là chỉ huy, ông đã vận dụng chiếc gậy này để trang bị thêm cho bộ đội mỗi người một chiếc. Khi bộ đội hành quân vác pháo cơ động, tạm dừng chân hoặc đặt đổi vai, dùng chiếc gậy này tiện lợi, không cần đặt pháo, giá pháo.

Bên cạnh đó còn có chi tiết Anh hùng Bùi Đình Cư có sáng kiến dùng bùi nhùi rơm để lót bùn trên đầm lầy, tạo nhanh trận địa triển khai pháo chiến đấu mà không bị lún, sụt nhiều bởi bùn đất  nhão…

Những câu chuyện rất đời thường, sáng tạo trong chiến đấu của Anh hùng Bùi Đình Cư mà Cựu chiến binh Bùi Văn Bình sưu tầm được, truyền lại cho mọi người đến nghiên cứu lịch sử, học tập kinh nghiệm đánh giặc của cha ông trong bảo tàng gia đình ông. Những câu chuyện chiến đấu ấy mãi in đậm trong lòng quân và dân ta.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.