Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 10:52:55

Ký ức về những ngày tháng tư lịch sử

Ngày đăng: 01/05/2020

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng với những người lính trên địa bàn tỉnh tham gia kháng chiến chống Mỹ thì ký ức về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên vẹn. Chính những câu chuyện, hồi ức của họ trong những trận chiến là minh chứng sống động, chân thực nhất về năm tháng chiến tranh để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, tri ân.

Cứ đến dịp 30/4, cựu chiến binh (CCB) huyện Tam Đường năm xưa tham gia kháng chiến chống Mỹ lại có dịp gặp mặt, trò chuyện, ôn lại truyền thống lịch sử về những năm tháng trong chiến đấu. Hàng chục năm trôi qua, nhưng ký ức về thời máu lửa, tàn khốc với tiếng bom gầm, pháo dội vẫn không phai nhòa trong tâm trí của từng CCB. Chúng tôi may mắn khi được gặp những người lính đã từng làm nên chấn động địa cầu để được nghe, được sống lại trong ký ức hào hùng. Trong câu chuyện của các CCB, tôi thực sự ấn tượng với thời gian tham gia chiến đấu ở các chiến trường của ông Trần Đình Nho ở bản Máy Đường (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trần Đình Nho tham gia chiến đấu ở các chiến trường B, C và có mặt ở 4 chiến dịch: Mậu Thân 1968, Chiến dịch 1972, Chiến dịch Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
Ông xúc động nhớ lại: “Tháng 10/1966 theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ. Từ tháng 4/1967 – 6/1969 trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam vùng Trà My – Quế Sơn – Hoàn Tàu – Duy Xuyên – Điện Bàn. Tháng 8/1971 – 9/1973 tại chiến trường Lào địa bàn cánh đồng Chum Xiêng Khoảng. Tháng 12/1974 – 30/4/1975 tại chiến trường Tây Nguyên và Tây Ninh. Qua mỗi chiến dịch chúng tôi đã cùng nhau nếm trải những khó khăn từ chuyện đói, rét, bệnh tật, thiếu ngủ, hành quân xuyên đêm đến giây phút đối mặt với quân địch nhưng tất cả đều chung tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tham gia nhiều trận chiến nhưng tôi không thể nào quên ngày 10/3/1975 cùng đơn vị tấn công thị xã Buôn Ma Thuột, đầu tiên hợp đồng với quân binh chủng xe tăng để cùng vào giải phóng Buôn Ma Thuột, đánh chiếm Sân bay Hòa Bình. Đúng 2 giờ sáng bắt đầu nổ súng thì đến trưa 11/3 chiếm toàn bộ Tây Nguyên. Tiếp tục được lệnh hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị chúng tôi hành quân xuống tiếp cận ở khu vực chi khu Trảng Bàng (Tây Ninh) theo trục đường 14 thị xã Bù Đúp tiếp cận xuống cánh đồng Dù ngăn chặn sư đoàn 25 quân ngụy, phía Tây Sài Gòn. Đến ngày 29/4 đơn vị đã đánh thắng quân địch, anh em chiến sỹ vui mừng hò reo, cười nói và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Thời khắc lịch sử ấy còn in đậm trong ký ức của tôi”.

Ông Trần Đình Nho (bên trái) ở bản Máy Đường (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm về những ngày tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Ông Nho cho biết thêm, trong suốt thời gian chiến đấu ở các chiến trường bản thân phải trực tiếp chịu đựng các đợt quân Mỹ rải chất độc hoá học, nhất là năm 1967 – 1968 tại vùng Trà My – Quế Sơn – Hoàn Tàu – Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), chúng thả chất hoá học làm cây trơ trụi không còn một cái lá, mục tiêu của chúng là ngăn chặn quân ta ở các vùng căn cứ và chia cắt giữa vùng đồng bằng với miền núi, chúng đặc biệt tập trung rải chất độc hoá học xuống vùng giáp ranh để khi quân ta phát triển tấn công các cứ điểm của địch tại các vùng giáp ranh và đồng bằng gặp nhiều khó khăn. Chiến tranh kết thúc, bên cạnh nỗi đau do bệnh tật, ông còn mang nỗi đau da cam khi chứng kiến con gái bị nhiễm chất độc hóa học. Nhưng với bản lĩnh của người lính, khi trở về đời thường, ông tập trung phát triển kinh tế, tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, góp sức xây dựng quê hương.
Còn với ông Vũ Xuân Hoạt ở bản Cẩm Trung 2 (xã Mường Than, huyện Than Uyên) khi nhắc đến ngày tháng chiến đấu tham gia gia chiến dịch Hồ Chí Minh là ký ức đẹp nhất của cuộc đời ông. Mở cho chúng tôi xem những kỷ vật đã từng gắn bó với ông suốt thời quân ngũ, đó là những bức ảnh với đồng đội dù đã mờ theo thời gian, huân chương, giấy khen… Ông tâm sự: “Trận đánh tại cánh đồng chùa (Củ Chi) tôi không bao giờ quên. Trận đó, Đại đội 7 – Tiểu đoàn 2 – Trung đoàn 174 – Sư đoàn 316 chúng tôi được lệnh tiên phong mở đường chiếm quốc lộ số 1 mở cánh cửa thép phía Tây cho bộ đội chủ lực tiến vào Sài Gòn. Tại cánh đồng chùa, đơn vị chiến đấu ác liệt với địch, nhiều đồng chí chỉ huy và đồng đội bị thương, hy sinh. Tôi được anh Huy – chỉ huy giao nhiệm vụ tiến vào vị trí thuận lợi tiêu diệt địch; tôi đã hóa trang, ôm súng trườn sát bờ ruộng đến vị trí ẩn nấp mặc dù địch bắn rát nhưng tôi ngắm bắn 2 băng đạn tiêu diệt hỏa lực địch. Sau đó, tôi tiếp tục nhận lệnh nhanh chóng tiêu diệt mục tiêu hỏa lực thứ 2, tôi liền bắn 2 băng đạn mục tiêu thứ 2 của địch bị tắt ngấm. Sau trận đánh đó, nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống nhưng đổi lại, Đại đội tôi tiêu diệt và bắt sống 1 tiểu đoàn địch, bắn cháy 1 xe tăng và xe bọc thép. Sau đó, Đại đội tôi cướp được đường quốc lộ số 1 để cho bộ đội vận chuyển vũ khí, xe tăng, tên lửa và vũ khí hạng nặng vào giải phóng Sài Gòn”.
Những ngày này, các con, các cháu lại tụ họp lại lắng nghe ông Nguyễn Xuân Ường, tổ dân phố số 2 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) kể chuyện về những năm tháng chiến đấu khi ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tại Mặt trận Tây Nam – Sài Gòn từ ngày 4/4/1975 – 30/4/1975. Nhiệm vụ của Đại đội 20, Trung đoàn 101 của ông là đánh vào giải phóng thị xã Rạch Rá rồi cùng với một số đơn vị nữa đánh chiếm Cần Thơ. Cuộc chiến cực kỳ cam go, lực lượng của ta thì mỏng, nhưng với tinh thần quyết tâm giải phóng miền Nam, các đơn vị đã tiến lên đánh thắng các mục tiêu đã được giao. Riêng nhiệm vụ của ông là đảm bảo thông tin liên lạc, vì vậy dù làm việc trong điều kiện thiếu thốn chủ yếu ở dưới hầm nhưng khi nhận được các mật mã phải giải mã để đảm bảo thông tin thông suốt, liên tục, chuyển nhận kịp thời các mệnh lệnh, chỉ thị của trên và báo cáo của các đơn vị với cấp trên làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ trước những mũi tấn công của quân ta. Từ đó, góp phần không nhỏ cho những trận chiến thắng lợi, đi đến chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Những chiến công, những trận đánh, những gian khổ mà ông và đồng đội đã từng bước vượt qua. Các con, các cháu của ông luôn tự hào có một người cha, người ông không chỉ giỏi trong chiến đấu mà trong cuộc sống gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 1.986 CCB tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau chiến tranh có người tiếp tục ở công tác, có người ra quân trở về với cuộc sống đời thường. Cuộc sống đầy những khó khăn, bộn bề lo toan, nhưng những chiến sỹ năm xưa vẫn thường xuyên liên lạc đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua gian khó. Tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

(Theo Báo Lai Châu)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.