Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 05:52:54

Kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10-12-1948 / 10-12-2018): Khẳng định thành tựu về quyền con người của Việt Nam

Ngày đăng: 10/12/2018

QK2 – “Nhân quyền” từ lâu đã là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng, mượn cớ, núp bóng vỏ bọc này để xuyên tạc, vu khống nhằm chống phá Việt Nam. Vào dịp kỷ niệm 70 năm Liên Hợp Quốc công bố bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 1948, các thế lực thù địch, phản động lại tăng cường các hoạt động chống phá ta.

Gần đến ngày kỷ niệm này, thông qua mạng xã hội, họ cho rằng, chính quyền ta “vẫn đang tước đoạt những quyền căn bản nhất của con người”. Tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam đã kéo dài từ nhiều thập niên qua, và đã gia tăng đáng ngại trong những năm gần đây”. Lý do để họ quy kết là “nhiều người đã bị kết án nặng nề chỉ vì họ thực thi những quyền tự do căn bản như tư tưởng, tôn giáo, ngôn luận, lập hội và tụ họp” và tôn sùng một vài cá nhân mà họ cho rằng, đấy là những “nhà tranh đấu chống tham nhũng, bảo vệ môi sinh, bảo vệ chủ quyền của đất nước, và cho nhân quyền của người Việt Nam”.

Niềm vui của du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm làng nghề truyền thống Bát Tràng (Hà Nội).

Tuy nhiên, những “nhà tranh đấu” ấy thực chất lại là những người vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị pháp luật Việt Nam xử lý theo một số quy phạm pháp luật. Một trong những “nhà tranh đấu” mà họ đặc biệt tôn sùng hơn trong dịp này là Lê Đình Lượng, một “tấm gương can đảm” để đưa ra cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng” hòng “nhắc nhở trước dư luận tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam” và tuyên bố, “giải thưởng” này sẽ được một ban giám khảo tuyển chọn và sẽ được công bố vào thời điểm ngày 10 tháng 12 hàng năm, cũng là ngày sinh nhật của ông Lượng…

Thật nực cười, ông Lê Đình Lượng là đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, mới bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và 5 năm quản chế. Ông ta từng sử dụng mạng xã hội lôi kéo người khác vào tổ chức phản động; đăng, tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam cổ súy cho tổ chức khủng bố "Việt Tân", xúc phạm lãnh tụ, kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân; kích động biểu tình và gây rối an ninh trật tự xã hội… 

Bên cạnh Lê Đình Lượng, các thế lực thù địch phản động còn dựng lên những thành phần vi phạm pháp luật Việt Nam để tâng lên thành những nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam và coi đó như là những biểu tượng.

Phải nói rằng, Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua đã và đang đạt được nhiều thành tựu về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trước hết là bản Hiến pháp  2013 đã bao hàm những nội dung mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người. Đây là minh chứng về việc Việt Nam khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992. 

Nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Trên cương vị này đã tham gia tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người như: Phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước về quyền của người khuyết tật tháng 11-2014, Việt Nam không những đảm bảo các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế, mà còn đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung là thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Năm 2017, Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực quyền con người như: Tham gia tích cực các hội nghị cấp cao về quyền con người, như Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 27 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản; Hội nghị Cấp cao khóa 34 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneve, Thụy Sĩ; duy trì hiệu quả cơ chế đối thoại về nhân quyền thường niên với Norway, Hoa Kỳ, Australia, với Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU). Đối thoại Nhân quyền chung giữa Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2017 được đưa vào Tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việt Nam còn là đồng tác giả và giới thiệu Nghị quyết về tác động của biến đối khí hậu và quyền con người (cùng Philippines và Bangladesh) tại Hội đồng Nhân quyền khóa 35, được thông qua đồng thuận với hơn 50 nước đồng bảo trợ; lồng ghép các sáng kiến về quyền con người, nhóm yếu thế như bình đẳng giới; các sáng kiến hướng về người lao động và nhóm dễ bị tổn thương trong khuôn khổ các hoạt động APEC 2017. Các sáng kiến này đã nhận được sự đánh giá cao và hưởng ứng của lãnh đạo các nền kinh tế APEC.

 Đầu năm 2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách trắng về quyền con người với chủ đề “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”. Cuốn sách gồm 4 chương, trong đó nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Việt Nam về quyền con người, thành tựu của Việt Nam trong thực hiện quyền dân sự, chính trị, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương… Sách trắng về quyền con người cung cấp các thông tin cập nhật về luật pháp, chính sách, nỗ lực và thành tựu của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người cũng như thách thức cần vượt qua và những ưu tiên cần thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam. Việt Nam dành 7 ưu tiên về quyền con người, đó là: Tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người; đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội; cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này; thúc đẩy bình đẳng giới; tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người”.

Thành tựu quyền con người Việt Nam cần được nhìn nhận thực tế, khách quan, bao trùm, bởi đất nước có gần trăm triệu dân, không thể chỉ kêu gọi đấu tranh cho một vài cá nhân vi phạm pháp luật mà vu khống, xuyên tạc thành tựu nhân quyền Việt Nam.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.