Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 06:33:35

Kỷ niệm 57 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2018)

Ngày đăng: 10/08/2018

QK2 – Theo tài liệu của các cơ quan chức năng, chất độc màu da cam/dioxin là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin, loại chất diệt cỏ được xếp vào nhóm độc tố nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà còn cả những di chứng để lại cho nhiều đời sau. Cái tên chất độc da cam xuất phát từ các thùng có sơn màu da cam, dùng để vận chuyển loại chất diệt cỏ này.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Chỉ trong 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971) quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích Miền Nam Việt Nam; 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần…

Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Chất độc da cam đã gây tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.  Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác động hại đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 57 năm qua.

Chất độc da cam đã làm cho 4.8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Ngoài hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba.

Thảm họa da cam ở Việt Nam đã để lại hậu quả hết sức nặng nề. Đảng, Nhà nước ta xác định công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị; quan tâm đến việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra.

Mới đây, ngày 7/8, tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt đoàn đại biểu Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những nạn nhân chất độc da cam là những tấm gương không đầu hàng số phận, kiên trì vượt khó, vươn lên làm chủ số phận.

Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội “hãy cùng nhau chung tay chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam”, làm hết sức mình để người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước. Các cấp, các ngành cần tạo điều kiện để Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoàn thành nhiệm vụ.

Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) đã họp phiên đầu tiên kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 4.2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban Chỉ đạo 701 – đã chủ trì phiên họp. Thủ tướng chỉ đạo phải phấn đấu để đất nước không còn bom mìn, hạn chế đến mức tối đa việc phơi nhiễm dioxin.

Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc hóa học, hỗ trợ nạn nhân bị phởi nhiễm là trách nhiệm, cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội

VŨ NGUYỄN (Tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.