Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:00:09

Kỹ năng thoát hiểm: Kinh nghiệm từ thực tiễn

Ngày đăng: 03/10/2020

Thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn là yêu cầu quan trọng nhất để bảo toàn tính mạng. Từ thực tiễn công tác, cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh đã chia sẻ kỹ năng thoát hiểm “vàng”.

Thiếu tá Tạ Trung Kiên, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có nhiều năm kinh nghiệm chỉ huy, trực tiếp tham gia cứu chữa nhiều đám cháy lớn, nhỏ kể, khoảng giữa năm 2017, xảy ra sự cố hỏa hoạn tại khu nhà D, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang. Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, sự cố xảy ra nhiều người rất hoảng loạn. Ngoài việc khẩn trương triển khai các biện pháp dập tắt đám cháy, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã trấn an và tổ chức, hướng dẫn mọi người thoát nạn. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đám cháy đã được khống chế, trên 500 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã được di chuyển ra khỏi khu vực xảy ra sự cố một cách an toàn nhất.


Lực lượng cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ diễn tập
đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy tại Khu công nghiệp Long Bình An.

Từ thực tiễn, theo Thiếu tá Kiên, yếu tố hàng đầu để con người sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn. Nguyên tắc thoát nạn quan trọng nhất khi xảy ra cháy là phải di chuyển ra khỏi khu vực có đám cháy, cúi thấp người khi di chuyển, trong trường hợp khói nhiều phải bò, trườn để tránh bị ngạt khói, bởi khói luôn bay lên cao. Lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Nghẹt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị phỏng và chết cháy. Vì vậy, khi hỏa hoạn xảy ra hãy di tản nhanh chóng ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh… Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách cố làm cho lực lượng chức năng để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.

Nếu đám cháy lan rộng, để thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da. Khi bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm.

Chia sẻ thêm kỹ năng thoát hiểm, Thượng tá Đỗ Hồng Kiên, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lưu ý, khi thoát ra khỏi đám cháy, báo cho những người xung quanh biết và đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói. Chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát ra ngoài khu vực có đám cháy, không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy. Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại danh sách xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.

Thượng tá Đỗ Hồng Kiên nhấn mạnh, kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ xảy ra, ngoài các biện pháp phòng, tất cả mọi người dân phải nằm lòng số điện thoại của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (114). Khi sự cố cháy nổ xảy ra, để kiểm soát đám cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại, mọi người dân cần chủ động hợp tác, thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng; khẩn trương di chuyển ra khỏi đám cháy, đặc biệt là những người không có nhiệm vụ, tránh tình trạng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng bị mắc kẹt do tập trung quá đông người.

Nguyên tắc và trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy

Nguyên tắc:
1. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
2. Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.
3. Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
4. Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Trách nhiệm:
1. Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình.
4. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

(Theo Luật Phòng cháy, chữa cháy)

(Theo Báo Tuyên Quang)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.