Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 08:27:52

Kỳ 1: Tân Trào – Cái nôi của cách mạng

Ngày đăng: 17/08/2015

QK2 – LTS: Khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Tân Trào (Tuyên Quang) được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các Bộ, ngành Trung ương trong lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tân Trào đã đi vào lịch sử cách mạng dân tộc như bản anh hùng ca của dân tộc. Nhân Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhằm tuyên truyền tới bạn đọc những câu chuyện về những năm tháng Bác Hồ đã ở và làm việc, những đổi mới của quê hương Tân Trào trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Từ số bào này Báo Quân khu sẽ đăng một số bài viết về phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trên quê hương Tân Trào. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Mặc dù đã trải qua 70 mùa Thu, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng mỗi khi đến thăm Tân Trào, về lại chiến khu xưa, chúng tôi cũng như mỗi người dân Việt Nam dường như vẫn cảm nhận được không khí hào hùng của những ngày Thu Tháng Tám lịch sử năm xưa. Tại nơi đây vẫn còn những di tích lịch sử tồn tại mãi với thời gian như: Lán Nà Nưa, Mái Đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…mỗi địa danh, mỗi di tích ở đây đều có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam khi xưa và hiện nay, nó đã trở thành địa chỉ đỏ để nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu truyền thống tại lán Nà Nưa.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu truyền thống tại lán Nà Nưa.

Mùa Thu năm 1945, Bác Hồ đã từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, Người đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Tại nơi đây ngày 13 tháng 8 năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Hội nghị toàn quốc để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 Đại hội Quốc dân đã họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ, sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (Chính phủ lâm thời), do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945 dưới bóng cây đa Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và sau đó tiến quân về giải phóng Hà Nội; sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân Tân Trào và có câu nói bất hủ “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, một lần nữa Tân Trào lại được Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các Bộ, ngành Trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1945 đến năm 1954, căn cứ địa cách mạng mãi ghi dấu những năm tháng Bác Hồ đã ở và làm việc, những ân tình sâu nặng, son sắt đồng bào Tân Trào – ATK Sơn Dương đối với Bác. Vì những ý nghĩa lịch sử lớn lao với toàn thể dân tộc Việt Nam, ngày 10 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg đã xếp Khu Di tích Tân Trào thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Khu Di tích lịch sử Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Là vùng đồi núi thấp có độ cao khoảng từ 95 đến 814m, nằm trong lưu vực sông Đáy, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 41 km, cách Hà Nội khoảng 150 km, với diện tích khoảng 6.633 ha. Tân Trào hiện nay có 17 Di tích. Với các địa danh nổi tiếng như: Đình Tân Trào; Đình Hồng Thái, Lán Nà Nưa, Cây đa Tân Trào, Hang Bòng…

Cây đa Tân Trào - nơi 70 năm trước đơn vị Giải phóng quân Việt Nam làm lễ xuất quân tiến về Hà Nội.

Cây đa Tân Trào – nơi 70 năm trước đơn vị Giải phóng quân Việt Nam làm lễ xuất quân tiến về Hà Nội.

Ngoài ra, Khu Di tích Tân Trào còn có những di tích có giá trị lịch sử và du lịch khác như: Bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ – Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man – Lũng Tẩu, Khấu Lẩu – Vực Hồ, Ban Tuyên huấn Trung ương, hang Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên, hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào. Là người dân tộc Tày đã sống ở làng Tân Long (nay là thôn Tân Lập xã Tân Trào), cựu chiến binh Hoàng Ngọc (80 tuổi), ông vẫn nhớ như in khi lần đầu được gặp Bác Hồ, ông kể: Ngày 21-5-1945, lúc đó vào khoảng 4 đến 5 giờ chiều có một đoàn 4 đến 5 người đi vào làng Kim Long và lên nhà ông Nguyễn Tiến Sự (Thôn Tân Lập bây giờ), lúc đó ông và ông Khoái con ông Nguyễn Tiến Sự đang chơi đánh quay, một ông cụ đã đến xoa đầu tôi nói: Các cháu đang chơi gì thế này, tôi đáp: Dạ cháu đang đánh quay, ông cụ lại hỏi: Thế các cháu có đi học không? tôi trả lời: Dạ thưa ông chúng cháu không có trường, có lớp ạ, ông cụ lại nói: Thế mai kia có trường, có lớp các cháu phải đi học nhé, chúng tôi đáp: Dạ vâng, sau đó ông cụ lên nhà ông Nguyễn Tiến Sự. Khi Quốc dân Đại hội vào ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945, Ông Hoàng Ngọc vinh dự là 1 trong 4 thiếu nhi trong làng Tân Long được theo đoàn phụ lão, thanh niên đến chúc mừng đại hội, ông cụ đến xoa đầu chúng tôi và bảo với quốc dân đại hội: Chúng ta phải làm thế nào để các cháu đây phải có cơm ăn, áo mặc và được học hành, những kỷ niệm đó mãi đến sau này ông Hoàng Ngọc mới biết đó là Bác Hồ. Lớn lên theo lời Bác, Ông Hoàng Ngọc và các thanh niên trong làng Kim Long đã đi bộ đội phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bài, ảnh: ĐĂNG NINH-VŨ THƯ
Kỳ 2: Chăm lo giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.