Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 07:51:57

Kinh nghiệm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở Quân khu 2

Ngày đăng: 17/08/2019

Bài 1: Nắm chắc địa bàn, tăng cường ứng trực

Địa bàn Quân khu 2 có nhiều đồi núi, sông suối, địa hình chia cắt, phức tạp. Năm nào trên địa bàn cũng xảy ra mưa lũ, sạt lở đất đá, làm thiệt hại không nhỏ đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Sát cánh cùng nhân dân trong phòng, chống thiên tai (PCTT) chính là các đơn vị quân đội. Chúng tôi đã tìm hiểu về những kinh nghiệm trong PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các đơn vị thuộc Quân khu 2.

Tìm hiểu về kinh nghiệm PCTT, TKCN trên địa bàn Quân khu 2, chúng tôi được Đại tá Hà Thọ Khương, Trưởng phòng Cứu hộ-Cứu nạn (CHCN) Quân khu 2 cho biết: "Quân khu 2 gồm 9 tỉnh Tây Bắc, có diện tích tự nhiên rộng, địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thất thường, hay xảy ra thiên tai, sự cố, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; khi có tình huống xảy ra dễ bị chia cắt, cô lập, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, sự cố trên địa bàn gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường cả về tính chất, quy mô, cường độ, mức độ tàn phá, gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động quân sự, quốc phòng…".

Bài 1: Nắm chắc địa bàn, tăng cường ứng trực
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phối hợp với dân quân khắc phục thiên tai tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (tháng 7-2019).

Giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn quân khu xảy ra hàng trăm vụ sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ. Đáng chú ý là các vụ lũ quét, sạt lở đất diện rộng xảy ra ở huyện Mường La (Sơn La); Mù Cang Chải (Yên Bái) năm 2017; Sìn Hồ, Tam Đường, Mường Tè (Lai Châu) tháng 6-2018… gây thiệt hại lớn, để lại hậu quả nặng nề. 

Trước những tác hại ghê gớm của thiên tai, bão lũ, ý thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, LLVT Quân khu 2 tích cực, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, CHCN bằng nhiều biện pháp quyết liệt và xác định đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Bộ tư lệnh quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn, duy trì nền nếp hoạt động của ban chỉ huy PCTT, TKCN các cấp. Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung kế hoạch PCTT, TKCN. Các phương án ứng phó khi có thiên tai lớn xảy ra, như: Siêu bão, động đất, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, sự cố các hồ, đập thủy điện… đều được các đơn vị, địa phương thuộc quân khu chuẩn bị tốt, vừa bám sát phương châm “4 tại chỗ”, vừa phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng địa phương, địa bàn, địa hình.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Ngọc Thái, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Yên Bái cho biết: "Để ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố do thiên tai gây ra, đơn vị tăng cường bám địa bàn, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương trong nắm, dự báo tình hình thiên tai, sự cố. Các lực lượng duy trì thường xuyên chế độ kiểm tra đê kè, hồ đập, nhất là những vị trí trọng điểm, các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Từ đó, chủ động phát hiện, cảnh báo sớm, đồng thời sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó trước khi sự cố xảy ra, không để bị động, bất ngờ…". 

Tìm hiểu tại một số địa bàn như: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, chúng tôi ghi nhận, các địa phương, đơn vị luôn tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai. Các địa phương đều duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nhất là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, hanh khô. Công tác tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, CHCN cũng được các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện. Việc quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm, thuốc men, chia sẻ những khó khăn, mất mát, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống được thực hiện khẩn trương mỗi khi có thiên tai, sự cố xảy ra. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ PCTT, TKCN, các địa phương, đơn vị cũng nhận thấy còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân về nhiệm vụ này chưa thật đầy đủ, vì vậy còn lơ là trong công tác chuẩn bị. Khi mưa lũ xảy ra, các cơ quan chức năng đã cảnh báo, nhưng người dân vẫn chủ quan không chịu di dời, khi xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… nên vẫn để xảy ra thiệt hại về người. Phương án, kế hoạch ứng phó trong PCTT, TKCN của một số địa phương, đơn vị chưa đầy đủ, chưa theo kịp diễn biến phức tạp của thời tiết, khi xử lý tình huống có chỗ không phù hợp, hiệu quả không cao. Công tác dự báo, nắm tình hình, phối hợp, hiệp đồng với địa phương và các lực lượng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Phương tiện, trang bị bảo đảm cho tìm kiếm, CHCN còn thiếu, chưa đồng bộ; năng lực xử lý các tình huống, nhất là tình huống khẩn cấp, phức tạp của các đơn vị còn hạn chế… Tất cả những vấn đề đó cần được các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, khẩn trương khắc phục.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.