Thứ ba Ngày 16 Tháng 04 Năm 2024, 02:16:35

Khúc giao mùa tháng Tư

Ngày đăng: 17/04/2018

Tháng Tư về, dọc theo những con phố, rặng sấu già như mở rộng thêm tán. Giữa lùm xanh đang ấp ủ chuẩn bị bung ra những đốm hoa li ti trăng trắng. Bóng phượng vĩ ngập ngừng chuẩn bị cho những nhành hoa đo đỏ báo hiệu hè về. Đi dọc theo con phố, tháng Tư có lẽ là tháng của hoa loa kèn, loài hoa mà mới chỉ ở giai đoạn nụ thôi đã chẳng còn e ấp, chực khoe hết những gì tinh khôi nhất của đất trời tạo hóa trao cho. Hoa loa kèn mùi hương dìu dịu, nha nhã, cảm nhận bằng mắt, bằng tai nghe thật quyến rũ, như nghe, như nhìn thấy một thứ âm thanh rất riêng của những chiếc loa kèn trắng muốt. Dọc con phố tưởng như đều có loa kèn. Những gánh hàng hoa rong ruổi chở trăm vạn chiếc loa kèn trắng nhỏ xinh dạo khắp phố phường, mang âm thanh không phát tiếng ồn ã nhưng khiến lòng chộn rộn.

Lòng người chộn rộn, bởi tháng Tư là tháng của thống nhất, của niềm vui toàn thắng, của ngày vui kết đoàn, hơn bốn chục năm rồi vẫn reo vang giữa trời đất hòa bình, trong lòng người dân đất Việt.
Tháng Tư làng tôi hoa gạo đã tàn. Trên cánh đồng thẳng cánh cò bay, lúa chiêm đang thì con gái trải dài, xanh mướt mát. Bên con đường rìa làng, một góc đồng lúa là những trảng hoa, hoa hồng, hoa cúc và hoa loa kèn, đủ cung cấp cho thành phố.
Tháng Tư của bốn mươi ba năm về trước, tôi cùng những cậu bé lên năm, lên sáu chân đất đầu trần, theo người lớn chạy long nhong từ đồng về làng, tập trung quanh gốc đa nghe loa phóng thanh phát tin miền Nam chiến thắng. Tin phát đi, phát thanh viên của đài hòa cùng tiếng reo khản lạc cả giọng mà mọi người vẫn như muốn nghe mãi âm thanh chiến thắng thiêng liêng ấy. Những lá cờ cắm vội. Nhiều người ôm nhau khóc. Nhiều vòng tay ôm chặt trong điệu múa kết đoàn. Nhiều ông bố, bà mẹ, phụ nữ ôm con mắt dõi về phương Nam. Tin chiến thắng về rồi, ngày vui thống nhất đã trở thành hiện thực rồi, người thân chắc nay mai sẽ trở về từ nơi ấy.
Bà ngoại tôi tách khỏi đám đông bên gốc đa làng, đi về phía cuối con đường đất, hai tay chắp trước ngực, ánh mắt xa xăm. Những sợi tóc muối tiêu phất phơ. Mẹ kéo tôi đi theo bà, miệng lẩm nhẩm: “Cầu mong có một phép mầu cho cậu trở về yên ổn, vẹn nguyên để mà lấy vợ…!”
Thế rồi những ngày tháng Tư năm sau, năm sau nữa và sau đó rất nhiều năm, bà ngoại vẫn theo con đường rìa làng, đứng chắp tay trước ngực nhìn về phía xa xăm, miệng lầm rầm mong mỏi. Tóc bà bạc dần, rụng dần theo từng tháng, từng năm. Mãi sau này, khi bà đi xa rồi, tôi mới được mẹ cho hay, con đường ấy, bà và mẹ tiễn cậu đi chiến trường. Cậu ra đi khi vừa mười tám. Tôi nhớ như in lời bà thường dặn: “Cậu đã hy sinh để cuộc sống bà cháu mình tốt hơn, nhưng bà vẫn mong có phép nhiệm màu nào đó, bà đi rồi, nhớ hằng năm ra đường chờ cậu, nhỡ cậu về không có người thân đón…”.
Bà đi rồi, cậu tôi đã trở về, nhưng trên tấm bia vinh danh. Hàng ngàn người trong làng, ngoài xã đến cùng đón cậu.
Tháng Tư này ở thành phố, nối mạch nguồn vào đại lộ lớn là những ngõ nhỏ, phố nhỏ ngắn, dài như kim phút, kim giờ. Đâu là âm thanh của Bài ca thống nhất, của những khúc nhạc hành tiến hùng tráng tiến về Sài Gòn; đâu là con đường, con phố và những công trình mang tên Bác, những sản phẩm gắn hiệu Giải phóng. Kim đồng hồ chạy mãi theo thời gian, còn con đường, góc phố mang tên đất, tên người và tấm lòng hướng về miền Nam vẫn còn lại mãi mãi. Cờ đỏ sao vàng phấp phới và khẩu hiệu mừng chiến thắng của công sở, trường học, của nhà nhà ngợp bóng mừng ngày chiến thắng.
Chẳng hào nhoáng như tháng Tư nơi thành phố, ở làng tôi, lúa đương thì con gái vẫn như ngày cậu tôi cùng bao trai làng ra đi. Nay có khác là phía xa xa có đài tưởng niệm liệt sĩ màu vàng nổi lên giữa màu xanh đồng lúa ngút mắt. Những ngôi nhà mọc lên mau hơn, đẹp hơn. Con đường rìa làng tiễn cậu tôi ra trận đã bê tông hóa phẳng phiu, thẳng thớm. Những ruộng hoa loa kèn chính vụ đang khoe sắc trong nắng sớm giao mùa.
Khúc giao mùa tháng Tư, dù là ở làng hay chốn phồn hoa đô thị vẫn có nhiều điều riêng biệt không phải mùa nào cũng có, thân thương, tự hào, da diết. Có lẽ khúc giao mùa không chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, tiếp xúc bằng tay, mà phải cảm nhận bằng nhớ thương, bằng hoài niệm đa chiều.
Từ nơi thành phố về làng trong tháng Tư, đi trên con đường rìa làng, giữa hình ảnh, âm thanh cuộc sống còn vẳng nghe âm thanh của thiên nhiên. Tôi nhìn thấy đường dây thông tin mạng tỏa vào các ngõ. Tôi nghe thấy tiếng chim sâu ríu rít trong rì rào sóng lúa. Tôi nghe thấy âm thanh như cất lên từ trăm ngày nhành hoa loa kèn tinh khiết. Và giữa khúc âm thanh giao mùa đa thanh, đa sắc ấy, hình như có tiếng của cậu tôi đang thì thầm bên bóng dáng bà ngoại…
Tháng 4-2018

Tản văn của ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.