Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 11:21:21

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt – Lào

Ngày đăng: 24/12/2015

Di tích lịch sử Việt Nam – Lào nằm ở bản Phiêng Sa (bản Lao Khô), xã Phiêng Khoài (xã Chiềng On trước đây), thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, là một địa danh lịch sử thiêng liêng, ghi dấu ấn sâu sắc về thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Đội xung phong Lào-Bắc tại Yên Châu giai đoạn từ năm 1948 – 1950.

Đoàn đại biểu Việt Nam - Lào thăm khu Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại Sơn La.

Đoàn đại biểu Việt Nam – Lào thăm khu Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào tại Sơn La.

Ngày 14/6/1948, Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Chỉ huy Liên khu 10 ra chỉ thị thành lập ban xung phong Lào – Bắc gồm 14 người. Ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Trưởng Ban xung phong, ông Hạo Thanh, Phó Trưởng ban, ông Đông Tùng làm Chính trị viên. Ban xung phong Lào – Bắc được giao nhiệm vụ liên lạc với Ủy ban kháng chiến và Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La với Ban xung phong Trung Dũng định kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động có sự tương trợ lẫn nhau khi cần thiết với bộ đội Sơn La (Trung đoàn148) có nhiệm vụ gây dựng cơ sở trong đất địch, phát động phong trào du kích đào tạo cán bộ địa phương. Chỗ dừng chân và cũng để triển khai thực hiện chỉ thị được giao, Ban xung phong Bắc – Lào đã xây dựng vùng căn cứ cách mạng mở rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La, hướng tiến sang đất nước Lào.
Với địa hình biên giới xa xôi hẻo lánh, bản Lao Khô là cơ sở cách mạng nuôi giấu lực lượng cách mạng Lào, trong đó có đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Được sự giúp đỡ của bà con dân bản, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô, hoạt động của lãnh tụ Cay-xỏn Phôm-vi-hản cũng như căn cứ cách mạng Lào những năm tháng đầu tiên tại Việt Nam được bảo vệ an toàn tuyệt đối, là tiền đề cho những thắng lợi sau này.
Di tích lịch sử đã được nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Khu di tích này được xây dựng trên diện tích 3.500 m2, gồm các hạng mục chính: Nhà tưởng niệm, Tượng đài hữu nghị Việt Nam – Lào; Bia dẫn tích; Nhà trưng bày…. Đường đến di tích thuận lợi, đi được bằng mọi phương tiện giao thông đường bộ.
Việc xây dựng Khu di tích lịch sử tại bản Lao Khô là cơ hội để trở lại cội nguồn; thể hiện sự kính trọng, ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo đi trước, đặc biệt là cố lãnh tụ Cay-xỏn Phôm-vi-hản; trở thành địa danh quan trọng để giáo dục, tuyên truyền đến các thế hệ trẻ của hai nước về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam.
VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.