Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 12:19:17

Không thể phủ nhận thành tựu của ngành giáo dục

Ngày đăng: 14/10/2022

QK2 – Hàng triệu học sinh, sinh viên (HS,SV) trên cả nước hân hoan bước vào năm học mới 2022 – 2023 sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đây là một sự kiện đáng mừng của đất nước và ngành Giáo dục Việt Nam (GDVN). Thế nhưng, một số người đã cố tình quên đi niềm vui chung ấy, đã lấy một vài hiện tượng sai phạm trong giáo dục để đánh giá, nhận định về nền giáo dục nước nhà; ngấm ngầm lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin, thậm chí không tin tưởng vào đường lối, chính sách giáo dục hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.

Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) luôn quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ.

Khi xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp nền giáo dục nước nhà, họ cho rằng: “Giáo dục Việt Nam hiện tại là hình ảnh và hệ thống phản ánh trung thực hiện trạng xã hội và thể chế chính trị Việt Nam. Nó hình thức, nặng nề, lạc hậu, đầy áp lực và tệ nạn giả dối, tham nhũng. Nó sản xuất ra mỗi năm hàng triệu những sản phẩm hư lỗi về trí năng, èo uột méo mó về đức dục lẫn thể chất”! Đây là một giọng điệu hằn học của những kẻ thâm thù với chế độ và không đánh giá khách quan, đầy đủ bản chất, thành tựu của nền giáo dục nước nhà.

Ngay từ ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. GDVN là sự thể hiện đầy đủ, rõ ràng nhất về bản chất chế độ XHCN ở ta trong việc GD&ĐT ra những con người mới XHCN với “đức – trí – thể – mỹ” được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, đầu tư cho GD&ĐT luôn được Đảng, Nhà nước ta coi là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, GDVN đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Nổi bật là, nhu cầu học tập của nhân dân được đáp ứng tốt hơn; các mục tiêu chiến lược (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài) đạt được những kết quả quan trọng; chính sách xã hội về giáo dục đã được thực hiện tốt và hiệu quả hơn; chất lượng giáo dục đã có chuyển biến tích cực; điều kiện đảm bảo phát triển giáo dục ngày càng được tăng cường. Vì thế mà những giá trị văn hiến nghìn năm của dân tộc cũng theo đó mà “nở hoa”, tỏa hương, khoe sắc khắp năm châu. Đặc biệt, sau hơn 35 năm đổi mới, nền GDVN đã gặt hái được nhiều kết quả rất đáng tự hào. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống GD&ĐT tương đối hoàn chỉnh từ bậc mầm non (MN) đến đại học (ĐH). Số lượng HS,SV tăng nhanh, nhất là ở GDĐH và giáo dục nghề nghiệp. Sau hơn 10 năm thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi (2010 – 2020), số trẻ đến trường tăng hơn 1,5 triệu em so với năm học 2010 – 2011. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN đạt 99,9%. Ở bậc ĐH, tính đến cuối năm 2020, cả nước hiện có 172 trường ĐH công lập, 65 trường ngoài công lập, với gần 1,7 triệu SV; 7 trường ĐH được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế; 195 chương trình đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Năm 2022, có 3 trường ĐH của Việt Nam lọt top 1.000 ĐH tốt nhất thế giới,  gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Chi ngân sách cho GD&ĐT hằng năm đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước…

Điểm nổi bật những năm gần đây, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế: Toán học, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Tin học… luôn giành thành tích cao. Tháng 11/2021, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021 – 2025. Những nỗ lực phát triển của nền GDVN đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Sự thật hiển nhiên là thế! Vậy mà các thế lực thù địch, phản động lại cho rằng, nền GDVN “hình thức, nặng nề, lạc hậu, đầy áp lực và tệ nạn giả dối, tham nhũng, băng hoại đạo đức”. Đó thật là những lời lẽ u mê, ngu muội!

Bên cạnh những thành tích đạt được, cũng cần phải thừa nhận rằng, trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của nước nhà, ngành giáo dục vẫn còn không ít hạn chế, bất cập khiến dư luận xã hội bất bình, như: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội; việc đổi mới, in ấn sách giáo khoa còn chưa minh bạch và phù hợp… Những bất cập, thiếu sót trên đã được ngành Giáo dục nghiêm túc thừa nhận và đang tích cực sửa chữa, khắc phục nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Thực trạng nền GDVN có cả ưu điểm và hạn chế. Song ưu điểm, thành tích là nổi bật; những hạn chế, bất cập chỉ là một phần nhỏ và nếu có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì chúng ta sẽ sửa chữa, khắc phục được. Những hạn chế trên không phải do bản chất của chế độ, càng không phải là những cái bất biến mà các quan điểm sai trái, thù địch cố gắng đổ thừa cho Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục.

Bài, ảnh: VŨ HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.