Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:32:24

Không để thế lực thù địch lợi dụng những đảng viên “Hữu danh vô thực” làm méo mó hình ảnh cán bộ, đảng viên

Ngày đăng: 22/08/2022

QK2 – Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề mà Bộ Chính trị trình. "Để sau Hội nghị Trung ương lần này chúng ta có một chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng ta theo đúng tinh thần tư tưởng của Lênin "Thà ít mà tốt", những đảng viên “Hữu danh vô thực” thì cho không chúng ta cũng không cần!", Tổng Bí thư nhấn mạnh. Vậy những đảng viên “Hữu danh vô thực” là ai ? Họ đang lẩn khuất ở đâu và phải làm gì với những đảng viên này? Lợi dụng việc xử lý những đảng viên “Hữu danh vô thực” các thế lực đã và đang có nhiều chiêu trò với mục đích làm lu mờ, méo mó hình ảnh cán bộ, đảng viên.

Kỳ 1: Nhận diện những “căn bệnh” xấu

Theo Từ điển tiếng Việt thì thành ngữ “hữu danh vô thực” có nghĩa là “Có tên, có tiếng mà không thực chất, chỉ tồn tại trên danh nghĩa, nhưng thực ra không có gì”. Với một người bình thường nếu thuộc loại “hữu danh vô thực”, bề ngoài trông rõ “bảnh bao”, nhưng không có tri thức, hổng kiến thức về kinh tế – văn hóa – xã hội – quốc phòng – an ninh đã là tai hại thì với những đảng viên, nhất là người giữ trọng trách quan trọng được tổ chức Đảng giao phó mà thuộc tuýp người này sẽ nguy hiểm khôn lường, có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, dễ làm mất uy tín, thanh danh của tổ chức Đảng.

Lãnh đạo huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai luôn gần dân, bám bản, hướng dẫn, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói, những cảnh báo về các căn bệnh mà cán bộ, đảng viên ta thường hay mắc phải, đó là: “Bệnh nể nang”; “Bệnh tham lam”, “Bệnh lười biếng”, “Bệnh kiêu ngạo”; “Bệnh hiếu danh”; “Bệnh thiếu kỷ luật”; “Óc hẹp hòi”; “Óc lãnh tụ”; “Bệnh hữu danh vô thực”; “Bệnh kéo bè kéo cánh”; “Bệnh cận thị” (không nhìn xa thấy rộng); “Bệnh tị nạnh”; “Bệnh xu nịnh, a dua”… Tất cả những chứng bệnh trên đều bắt nguồn từ lòng tham, từ “Bệnh cá nhân”, mọi suy nghĩ việc làm đều xuất phát từ lợi ích cá nhân, đặt lợi ích phe cánh, anh em, thân tín lên trên hết, trước hết. Những người mà mắc căn bệnh trên luôn có tư tưởng vun vén vì gia đình mình, vì cánh hẩu hoặc là hậu duệ của mình. Bác khẳng định: Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”. Người căn dặn “chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Đảng ta hơn 90 năm qua, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lựa chọn được những cán bộ, đảng viên thực sự vì nước, vì dân. Trải qua những năm tháng kháng chiến trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới của đất nước đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên tiêu biểu, thực sự là những công bộc của dân. Những đảng viên cộng sản chân chính luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước lên trên hết, trước hết. Dù nhiệm vụ khó khăn nặng nề, gian khổ hay được giao quản lý một số lượng lớn vật chất, tài sản của công nhưng luôn giữ gìn phẩm giá, đức hạnh của người cán bộ, đảng viên, không tơ hào, chấm mút, luôn vì việc chung của cơ quan, đơn vị.

 Tuy nhiên, thực tiễn những năm gần đây cũng cho thấy có không ít cán bộ, đảng viên, cá biệt có những người giữ trọng trách đặc biệt quan trọng nhưng không giữ được danh dự, phẩm giá nhân cách; bị những cám dỗ vật chất lôi kéo, đi theo tiếng gọi của danh lợi, trở thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, bị xem xét, xử lý nghiêm minh. Mặc dù trước đó không lâu họ là những cán bộ, đảng viên miệng nói có gang có thép, “nói có người nghe, đe có người sợ”. Những người “Hữu danh vô thực” là ai? Họ là những người nói một đằng, làm một nẻo, nói nhiều làm ít,  chuyên quyền, gia trưởng, coi thường tập thể, ăn cắp của công, biến tài sản của công thành của riêng; coi chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó như là công cụ để trục lợi, cả về chính trị và kinh tế. 

Theo Ban Tổ chức Trung ương, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến tháng 6/2022 đã kỷ luật 50 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).

Nhưng đâu đó trong các cơ quan, đơn vị vẫn còn có những cán bộ, đảng viên thuộc tuýp người này nhưng vẫn đang lẩn khuất, chưa bị lôi ra ánh sáng, chưa bị pháp luật trừng trị. Những việc làm dơ bẩn của họ đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của tổ chức Đảng, tác động không tốt đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của toàn xã hội. Đặc biệt, mỗi khi kỷ luật cán bộ, đảng viên các thế lực thù địch coi đó như là một thông tin “béo bở” để chống phá, xuyên tạc, hòng làm giảm uy tín của Đảng ta.

 DUY TUẤN – THÚY QUỲNH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.