Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 08:34:41

Khơi dậy tinh thần Điện Biên

Ngày đăng: 25/06/2020

QK2 – Sau gần 3 năm thành lập, từ cuối năm 1953, Sư đoàn 316 đã được trên điều động hành quân thần tốc lên giải phóng Tây Bắc để phá thế chủ động của địch trong kế hoạch Nava; góp phần thực hiện ý định chiến lược của ta là buộc chúng phải điều quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sử sách còn ghi chiến công của Sư đoàn trong các trận đánh ác liệt trên đồi A1, C1… và chính Đại đoàn 316 đã thực hiện quả bộc phá nghìn cân trên đồi A1 làm hiệu lệnh cho cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp ở Điện Biên, góp công xuất sắc vào Chiến thắng chiều 7-5-1954.

Trên bước đường phát triển chiến đấu, năm 1958, Sư đoàn 316 được trên điều động trở lại Điện Biên để khôi phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Nông trường Điện Biên. Nhiệm vụ khó khăn, đang từ đơn vị chiến đấu chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Theo lời Đại tá Đinh Văn Dung, nguyên cán bộ thuộc Sư đoàn, lúc ấy đơn vị đóng quân ở Phú Thọ. Để động viên kịp thời, Bác Hồ đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Người căn dặn: “Xây dựng nông trường là công việc mới mẻ, phải đoàn kết tốt trong đơn vị và địa phương, phải biết chọn giống má, cây, con phù hợp với đất đai”. “Bác tin các chú có truyền thống đoàn kết, kỷ luật chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Sắp tới các chú xây dựng quyết tâm mới, trở lại Điện Biên vượt mọi khó khăn, xây dựng đất Điện Biên giàu đẹp cho đất nước”…

Sau dịp đó, Bác tặng cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bài thơ:

“Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn

Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được

Gian khổ không làm lòng ta sờn

Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất

Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn

Đội ơn đào tạo người quân đội

Quyết chí đền bù nghĩa nước non”.

 Vâng lời Bác, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trở lại xây dựng Điện Biên trở thành nông trường, thực hiện rất nhiều công trình dân sinh như sửa chữa sân bay, làm hồ thủy điện, xây đài liệt sỹ Đồi A1, mở rộng đường, xây dựng mới bệnh xá, trường học. Ngày nay, thành phố Điện Biên khang trang, đổi mới và phát triển còn rất nhiều cựu chiến binh của Sư đoàn 316 đã hoàn thành nhiệm vụ, gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Tinh thần Điện Biên còn theo mãi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế, giải phóng miền Nam, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng Sư đoàn chính quy, vững mạnh toàn diện hôm nay.

Những đảng viên, chiến sĩ xuất sắc dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Sư đoàn 316 nhiệm kỳ 2020-2025.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2014), Sư đoàn 316 lại được trở lại Điện Biên lần tiếp theo để tham gia đại lễ kỷ niệm. Theo lời Thượng tá Đỗ Xuân Tụng (nay là Thiếu tướng) thời điểm ấy, hàng loạt vấn đề đặt ra trong việc luyện tập, di chuyển và bảo đảm cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cơ động lên và ăn ở tại Điện Biên. Chính “tinh thần Điện Biên” đã khơi dậy tiềm năng sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, chiến sĩ. Sư đoàn đã chủ động đề xuất xin ý kiến cấp trên và phối hợp với các cơ quan, đơn vị sở tại, thành lập tổ tăng gia sản xuất “tiền phương” tại Điện Biên, mượn đất của nhân dân trồng rau, mua gia súc, gia cầm chăn thả để đón “chiến sĩ Điện Biên” hôm nay trở lại, vừa đảm bảo hiệu quả, giá rẻ và an toàn. Giữa mùa du lịch truyền thống tháng 5 ở Điện Biên, lượng người lên mảnh đất lịch sử tăng vọt, giá cả dịch vụ cũng tăng cao, tuy nhiên hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hành quân lên Điện Biên làm nhiệm vụ không bị ảnh hưởng, được bảo đảm rất tốt về hậu cần, đời sống.

“Tinh thần Điện Biên sống mãi trong trái tim cán bộ, chiến sĩ, trở thành niềm tự hào, niềm tin nuôi dưỡng ý chí quyết tâm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn”. Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 bộc bạch và anh khẳng định, Sư đoàn có rất nhiều đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo đúng “tinh thần Điện Biên”, hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Ngay sau thành công Đại hội Đảng bộ Sư đoàn nhiệm kỳ 2020 – 2025, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đang ra sức quyết tâm biến các mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đề ra thành các biện pháp, kết quả cụ thể. Một trong những mục tiêu ấy là Sư đoàn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ làm cơ sở đề nghị trên xét tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ mới. Chúng tôi tin tưởng “tinh thần Điện Biên” trong cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy hành động thực hiện mục tiêu ấy thành hiện thực.

Bài, ảnh: TÂY BẮC

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.