Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 10:09:26

Khi các thế lực thù địch “nội công, ngoại kích”

Ngày đăng: 06/07/2020

QK2 – Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước. Chính vì vậy, ngay trước thời điểm diễn ra Đại hội, các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã tìm mọi cách tăng cường các hoạt động chống phá tinh vi, nguy hiểm,“nội công, ngoại kích” nhằm phá hoại sự thành công của sự kiện này.

Thật không khó để nhận ra khi Đại hội XIII của Đảng chuẩn bị diễn ra, một loạt các “chiến dịch truyền thông” lại được các tổ chức phản động trong và ngoài nước đẩy mạnh hơn bao giờ hết như “Bàn luận về nhân sự đại hội”, “Xuống đường vì tự do, dân chủ, nhân quyền”, “Tẩy chay Đại hội Đảng XIII Đảng Cộng sản Việt Nam”… Trên mạng xã hội, các blog, trang web đăng tải rất nhiều những bài viết, phỏng vấn xuyên tạc, bôi nhọ nền tư tưởng cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo của đất nước ta…

Tự gắn cho mình cái danh xưng “giáo sư”, “nhà nghiên cứu”, “chuyên gia phân tích”, chúng “vô tư” đưa ra những phân tích hết sức nực cười và vớ vẩn. Nào là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “phản dân chủ”, “lỗi thời, không còn phù hợp” nhưng trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam “vẫn cố chấp khẳng định”; nào là nhân sự đã được “bố trí, quy hoạch từ trước”. Chúng còn lợi dụng tình hình biển Đông, một số dự án chậm tiến độ, tình hình dịch bệnh, những tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội, những sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các vụ án hình sự của Hồ Duy Hải, Nguyễn Tường Thụy, Châu Văn Khảm… để bóp méo bản chất, quy chụp rằng “do sự lãnh đạo độc tài của Cộng sản mà Việt Nam rơi vào trì trệ, khủng hoảng, yếu kém, thiếu tự do, dân chủ”, “Công cuộc đổi mới cũng như con đường đi lên CNXH đều thất bại nghiêm trọng”… 

Không những thế, lợi dụng thời điểm Đảng lấy ý kiến góp ý toàn dân vào dự thảo Báo cáo Chính trị, các thế lực cơ hội chính trị trong nước đã khéo léo móc nối, mua chuộc các cán bộ thoái hóa, biến chất ngay trong nội bộ ta để đưa ra các kiến nghị bằng nhiều hình thức, như “thư ngỏ”, “trao đổi”,“thư góp ý cho Đại hội XIII”… rằng, Đại hội XIII là “thời cơ để đổi mới chính trị theo hình thức đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng nhà nước dựa trên nền tảng “xã hội dân sự”, từ đó khẳng định “chừng nào Việt Nam còn độc tài, độc đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể có một nền dân chủ chân chính được” và tất nhiên “muốn phát triển, muốn có dân chủ thực sự thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng, dân chủ như nước ngoài”.

Có thể nói, đây là âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc và nguy hiểm. Mưa dầm thấm lâu, chúng đánh lừa dư luận, tạo ra sự hỗn loạn trong nhận thức của người dân, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ; làm suy giảm uy tín của một số cán bộ lãnh đạo cấp cao; kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ dẫn đến “tự diễn biến” tạo điểm nóng, khủng hoảng chính trị để phá hoại Đại hội Đảng XIII, khiến chúng ta không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Sâu xa hơn chính là hướng lái đất nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nhưng mục đích đen tối này sẽ không dễ dàng đạt được.

Thứ nhất, cần khẳng định rõ, chủ nghĩa Mác – Lênin, con đường cách mạng vô sản và tư tưởng Hồ Chí Minh là sự lựa chọn của lịch sử và cả dân tộc ta. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là bài học xuyên suốt chiều dài lịch sử, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta có nhiều thành tựu cả về chính trị, kinh tế – xã hội được nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Thời gian là hòn đá thử vàng, những năm qua, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều thách thức, vươn lên tạo dựng những mốc son mới. Gần đây nhất, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã phát huy được tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng “chống dịch như chống giặc” và cơ bản đã vượt qua đại dịch. Thành tích đó đã được cả thế giới công nhận. Điều này một lần nữa khẳng định sự ưu việt của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước và tinh thần yêu nước của người dân. Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng không thể phủ nhận sạch trơn, đánh tráo bản chất rằng “đất nước đang khủng hoảng, lâm nguy” như các đối tượng phản động rêu rao.

Thứ ba, phải thấy rõ, chủ trương của Đảng ta là mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, các tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng dự thảo các Văn kiện của Đảng. Điều này khẳng định bản chất của chế độ ta. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Lấy ý kiến của nhân dân góp ý cho các Văn kiện Đại hội, chính là Đảng dựa vào dân để hoạch định đường lối.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Việc lấy ý kiến đóng góp tại đại hội đảng bộ các cấp và của các tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng, thể hiện ý Đảng, lòng dân, có giá trị thực tiễn phong phú, sinh động để Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện…”. Tuy nhiên Tổng Bí thư cũng yêu cầu, việc tiếp thu ý kiến góp ý vào Văn kiện Đại hội là phải có quan điểm, lập trường, lý lẽ. Với phương châm bình tĩnh, lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa, tránh những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.