Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:31:57

Khẳng định uy tín Việt Nam trên trường quốc tế

Ngày đăng: 08/06/2019

QK2 – Ngày 7 tháng 6, Đại hội đồng LHQ đã chính thức bầu Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, với sự ủng hộ rất cao: 192/193 phiếu. Điều đáng nói là, nhiệm kỳ 2008-2009, nước ta đã trúng cử và thể hiện rất tốt vai trò, vị trí này. Lần này, Việt Nam với tư cách là đại diện duy nhất được các nước châu Á – Thái Bình Dương nhất trí cho ứng cử vào danh sách này.

Đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (của Việt Nam) triển khai tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ảnh: QĐND Online

Từ trước đến nay, các thế lực thù địch, phản động thường thực hiện những âm mưu, thủ đoạn hèn hạ để nói xấu, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng thường xuyên lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm, những sự kiện chính trị, kinh tế – xã hội, ngoại giao của Việt Nam để tuyên truyền xuyên tạc, đánh giá không đúng về sự thật khách quan, phủ nhận thành quả, vị thế của Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh và những thành công trong sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Mục tiêu của chúng là phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội.

Tuy nhiên, dù các thế lực thù địch, phản động chống phá đến đâu, thì những thành quả lãnh đạo xây dựng đất nước, xây dựng xã hội phát triển, phồn vinh là điều không thể phủ nhận. Sau hơn ba thập niên đổi mới, Việt Nam từ nước kém phát triển, nghèo nàn lạc hậu, bị bao vây cấm vận đã vươn mình hội nhập và chủ động hội nhập quốc tế.

HĐBA LHQ là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, gồm 15 thành viên, trong đó năm thành viên thường trực là: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và 10 thành viên không thường trực. Các thành viên không thường trực của HĐBA LHQ được phân theo khu vực địa lý và do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu. HĐBA LHQ có vai trò, quyền hạn đặc biệt quan trọng trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chuyên giải quyết xung đột và khủng hoảng đe dọa đến hòa bình, an ninh thế giới. Theo quy định, các quyết định và nghị quyết của HĐBA LHQ mang tính chất ràng buộc, yêu cầu tất cả các thành viên của LHQ phải tôn trọng và có trách nhiệm thi hành. Vì thế, được trở thành thành viên của cơ quan này không chỉ là vinh dự, trách nhiệm lớn mà còn là cơ hội để khẳng định uy tín, vị thế mà bất cứ quốc gia nào cũng hướng tới.

Hơn bốn mươi năm trước từ khi trở thành thành viên của LHQ (20-9-1977), Việt Nam luôn cam kết mạnh mẽ thực hiện và phấn đấu thực hiện các mục tiêu vì một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển. Thông qua chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn LHQ làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống LHQ, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Việt Nam tham gia một số hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới trong điều kện có thể.

Việt Nam đã từng trải qua các cuộc chiến tranh và chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, hàn gắn vết thương, giải quyết hậu quả chiến tranh. Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Từ những kinh nghiệm và thành tựu công cuộc đổi mới và mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm trong gìn giữ hòa bình quốc tế, Việt Nam chính thức được LHQ giao trọng trách là Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu ủng hộ rất cao, 183/190 lá phiếu.

Trong nhiệm kỳ đó, có hai lần giữ chức Chủ  tịch HĐBA vào tháng 7-2008 và tháng 10-2009 và giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban; Việt Nam tham gia 1.500 cuộc họp ở các cấp; thông qua 113 Nghị quyết, 165 Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục; Xây dựng Báo cáo năm về công việc của HĐBA; Chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp HĐBA thông qua Nghị quyết về “Phụ nữ và Hòa bình – An ninh”; trực tiếp phối hợp và xử lý nhiều vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy và ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Thành công của nhiệm kỳ đầu tiên ấy đã nâng cao uy tín của Việt Nam với bạn bè quốc tế và là kinh nghiệm quý để Việt Nam có thể đảm nhiệm vị trí quan trọng này lần thứ hai.

Chủ động ứng cử và được chính thức trở thành thành viên không chính thức HĐBA LHQ lần này, uy tín Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên trường quốc tế. Có thể nói, bức tranh toàn cảnh về thế giới hiện nay có thể thấy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn liên quan đến lợi ích của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, trong bức tranh ấy, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh bởi mâu thuẫn, tham vọng và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước trở thành thách thức an ninh toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta, đất nước ta tiếp tục kiên định chính sách chủ động hội nhập quốc tế, duy trì, đổi mới tư duy về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Nhiều thành tựu nổi bật về hoạt động đối ngoại, xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; tổ chức thành công các diễn đàn, hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều… Việc Việt Nam trở thành thành viên HĐBA LHQ lần thứ hai là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đây cũng là cơ sở khẳng định vai trò, kết quả lãnh đạo của Đảng ta, vững niềm tin vào vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Mỗi người Việt Nam có quyền tự hào với uy tín, vị thế của đất nước và có trách nhiệm đấu tranh loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, vai trò của Đảng, hạ thấp uy tín của đất nước ta của các thế lực thù địch.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.