Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 08:11:27

Khẳng định thành quả hội nhập quốc tế của đất nước

Ngày đăng: 29/10/2018

QK2 – Ngày 17-10, Ủy ban châu Âu thông qua việc đệ trình lên Hội đồng châu Âu Hiệp định Tự do Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư của EU với Việt Nam chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Ngay sao đó, Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, suốt quá trình phối hợp để đề nghị ký kết hiệp định, một số cá nhân đã ra sức chống đối, xuyên tạc, lợi dụng một số vấn đề trong nước để thổi phồng, tạo cớ ngăn cản, đề nghị các tổ chức quốc tế liên quan không phê chuẩn hiệp định này. Một số cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền Việt Nam xuyên tạc rằng, tình hình nhân quyền của Việt Nam “xấu đi”. Mặt khác, một số cá nhân thông qua mạng xã hội và báo nước ngoài kêu gọi, đòi hỏi phải “cải thiện tình hình chính trị”, đòi Đảng ta phải chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước và không kỳ vọng rằng hiệp định này sẽ giúp cải thiện nhân quyền hay đem đến dân chủ ở Việt Nam. Họ cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ không tôn trọng những cam kết về nhân quyền đã ký một khi đã đạt được mục đích. Mặt khác, chúng còn tự tung hô cho một số cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam là những “tài sản quý của quốc gia”, bị pháp luật xử lý giam cầm là điều phí phạm, cần được thả ra để phát huy trí tuệ xây dựng đất nước…

Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí của bộ đội ngày càng được cải thiện.

Phải khẳng định đây là những chiêu trò nực cười, lố bịch, cản trở tiến trình đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam. Những hoạt động xuyên tạc, lợi dụng những vấn đề trong nước gây sức ép buộc Việt Nam “cải thiện thành tích nhân quyền”, “cải cách chính trị” trước khi thông qua EVFTA. “Thành tích nhân quyền” hay “cải cách chính trị” theo suy diễn của họ chỉ là sự đánh giá phiếm diện, thiêu thiện chí, xuyên tạc tình hình thực tế ở đất nước ta.

Có thể nói, trong mọi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách vì con người, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiến pháp năm 2013 bổ sung nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc, thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình của đất nước và bối cảnh quốc tế, đó là một trong những minh chứng khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người; đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia từ cuối năm 2012…

Việc Ủy ban Châu Âu thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn khẳng định tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Có thể nói, đây là thành quả của cả quá trình phối hợp tích cực cùng sự nỗ lực hoạt động trên các lĩnh vực về chính trị, đối ngoại, đàm phán của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những tổ chức quốc tế lớn, đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam; là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với doanh thu hàng hóa đạt gần 50 tỷ euro (khoảng 54,8 tỷ USD). Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam đã được khởi động cách đây gần 10 năm và trải qua rất nhiều vòng đàm phán và đã kết thúc cách đây khoảng 3 năm, chờ chuẩn y của cả 28 nước thành viên EU. Dưới góc độ kinh tế, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam được coi là những hiệp định thương mại nhiều kỳ vọng của EU với một quốc gia đang phát triển. Khi hiệp định có hiệu lực toàn bộ, hơn 99% dòng thuế sẽ được dỡ bỏ cho hàng hóa EU, mở cửa thị trường dịch vụ cho các doanh nghiệp EU và bảo vệ tốt hơn các đầu tư của EU ở Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã phát biểu, Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam là ví dụ điển hình, minh chứng cho chính sách thương mại của châu Âu. Hai hiệp định này mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các công ty, người lao động và người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam.

Trước sự kiện này, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani đặc biệt vui mừng và nhấn mạnh Nghị viện châu Âu sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn hai Hiệp định này ngay trong đầu năm tới. Ông cũng khẳng định đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại giữa châu Âu và châu Á. Đặc  biệt, việc Ủy ban châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam ngay trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM 12), nơi quy tụ lãnh đạo của hơn 50 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.

Trước sự kiện này, Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu Cecilia Malstrom nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua Hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng lợi những lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam.

Rõ ràng, những kẻ thiếu thiện chí, lợi dụng xuyên tạc tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam để tạo cớ, gây sức ép với các tổ chức quốc tế cản trở Việt Nam trong tiến trình ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam là thiếu khách quan, đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc. Mỗi người cần cảnh giác trước thông tin xuyên tạc sự thật đó.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.