Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:16:54

Giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 29/04/2019

QK2 – Bằng quan điểm và phương pháp luận khách quan, khoa học, các tham luận tại hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ- Giá trị lịch sử và hiện thực” tiếp tục khẳng định, làm sáng tỏ và sâu sắc về chủ trương, chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn dân kháng chiến; sự chỉ đạo điều hành chiến tranh của Tổng Quân uỷ, Bộ Quốc phòng- Tổng Tư lệnh. Công tác xây dựng lực lượng, bảo đảm vũ khí trang bị, hậu cần… đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sức mạnh nhân tố chính trị tinh thần

Tham luận của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN nêu rõ: Trên cơ sở quán triệt và hiện thực hoá đường lối, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị – tinh thần giữ vai trò quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh của các lực lượng tham gia chiến dịch; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, để giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.

Trong thời gian làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch, nhân tố chính trị tinh thần đã tạo ra sức mạnh. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, phải huy động thêm bộ đội, dân công, thời gian chiến dịch kéo dài, khối lượng bảo đảm vật chất phải tăng thêm hai đến ba lần. Tuy nhiên, bộ đội cùng các lực lượng tham gia chiến dịch đã không lùi bước trước khó khăn: Mở đường vận tải và xây dựng công sự, hầm hào; kéo pháo vào trận địa, rồi lại kép pháo ra xuyên qua rừng núi hiểm trở để chuẩn bị lại công sự, trận địa, nhưng “gan không núng, chí không mòn”.

Được hai chiến sĩ đưa lên bục phát biểu, Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, nguyên là khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) hồi tưởng: “Đại đoàn 312 chúng tôi được Bộ chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn được quán triệt là trận đánh khó khăn, phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu, các đảng viên đều viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm, không để trận đánh kéo dài sang những ngày hôm sau”.

 Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp dù bị thương ở trận chiến đấu trước đó nhưng ông cùng đồng đội vẫn luôn giữ vững quyết tâm và ý chí chiến đấu, “12 giờ đêm, ngày 12 tháng 3 năm 1954, từ Tà Lèng, chúng tôi hành quân chiếm lĩnh trận địa, gần sáng đội hình của đại đoàn đã đến cánh đồng quanh cứ điểm. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, cứ nghe loa của Pháp ra rả, “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào; đánh vào không còn đường về với bố mẹ”. Nhưng chúng tôi đâu có nao núng, tinh thần chiến đấu lên cao, chờ giờ nổ súng. Cả ngày hôm đó trời nắng chang chang nhưng không một ai nao núng”- Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp nói.

Bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Báo cáo tham luận tại hội thảo các đại biểu đều nhấn mạnh sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, một nhân tố góp phần quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại này. Tham luận của Đại tá, TS Phạm Đình Bách khẳng định, về chỉ đạo chiến lược, Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ đã rất nhạy bén, sớm phát hiện và đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch; chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta. Về nghệ thuật chiến dịch, xác định đúng phương châm chiến dịch, tập trung ưu thế binh hoả lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trong yếu của địch.

Có thể thấy lúc đầu ta chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Sau đó chuyển phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là chủ trương chính xác, kịp thời, kiên quyết của Trung ương Đảng và Bộ Tư lệnh chiến dịch, quán triệt tư tưởng cơ bản “đánh chắc thắng” của Trung ương Đảng, phù hợp với trình độ của bộ đội và khả năng của ta thời điểm đó.

Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, bằng phương pháp đánh “bóc vỏ”, “đánh từng bước”; đồng thời với sự phát triển của chiến thuật công kiên đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm, phòng ngự trận địa, giữ vững các điểm cao, mục tiêu đã chiếm được. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, còn có sự ra đời của hình thức chiến thuật “đánh lấn”. Đây là hình thức chiến thuật phát triển từ chiến đấu tiến công.

Cùng với sự phát triển của chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, bước phát triển của các hình thức chiến thuật từ tiến công chuyển sang phòng ngự và bao vây, đánh lấn, bắn tỉa, luồn sâu; pháo binh bắn chế áp, bắn kiềm chế; phòng không bắn máy bay bổ nhào, bắn yểm hộ bộ binh- pháo binh chiến đấu… Đó là những chiến thuật rất phù hợp và đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định: Cuộc hội thảo khoa học góp phần phản ánh tầm vóc cực kỳ quan trọng của chiến dịch quyết chiến chiến lược. Hội thảo đã góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra từ Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địc; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn cách mạng mới. Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, với những kinh nghiệm quý báu, Quân đội ta tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, tăng cường xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, không ngừng nâng cao năng lực tác chiến, trình độ SSCĐ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bài, ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.