Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 08:18:02

Khẳng định giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám

Ngày đăng: 25/08/2020

QK2 – Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc ta đã nhất tề đứng lên, tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, đánh đuổi quân phiệt Nhật và lật đổ chế độ phong kiến mấy mươi thế kỉ. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, mở ra bước ngoặt lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Giá trị vĩ đại là vậy, ấy thế nhưng “đến hẹn lại lên”, cứ vào thời điểm này hàng năm, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đi ngược dòng chảy lịch sử, tiếp tục “bổn cũ soạn lại” cố tình xuyên tạc bản chất, thành quả, tầm vóc và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Với những nhận thức “lệch lạc”, chúng ra sức “nói láo ăn tiền” trắng trợn rêu rao rằng “Cách mạng Tháng Tám chỉ là sự ăn may”, “do khoảng trống quyền lực, nên Việt Nam dễ giành được kết quả nhanh chóng”, “đáng ra không cần thiết phải tiến hành cách mạng”, “Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của Đồng minh chống phát xít, khi quân Đồng minh chưa kịp vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật”…

Cần khẳng định ngay những thông tin xảo trá, bịa đặt trên chính là âm mưu, chiêu trò thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực cơ hội chính trị, phản động. Mục đích sâu xa của chúng là tạo ra sự hỗn loạn, mơ hồ, nghi hoặc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến tới đòi xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, hướng theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

Hơn nữa, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, Cách mạng Tháng Tám không phải là ăn may, cũng không phải sự cướp công. Đó là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, gian khổ của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược, khiến dân ta phải chịu cảnh nước mất, nhà tan, “một cổ hai tròng”, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, phu phen, tạp dịch. Hàng loạt cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh cứu nước đã nổ ra như cuộc kháng Pháp của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, các phong trào Cần Vương, Đông Du… Nhưng tất cả đều bị dìm trong bể máu.

Phải đến khi Bác Hồ tìm ra con đường cách mạng vô sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mới tạo được sự chuyển biến rõ nét. Minh chứng là cao trào cách mạng 1930-1931 và 1936-1939. Đó là hai cuộc diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, tình hình chuyển biến căn bản. Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và phát động cao trào đấu tranh mới, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Trong hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) xác định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", phát động cao trào chống Nhật, cứu nước trong toàn quốc, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trước tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng có lợi cho cách mạng, Trung ương Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã triệu tập Hội nghị toàn quốc, nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi. “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cả dân tộc Việt Nam, với quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, đã nhất tề vùng lên. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, Cách mạng Tháng Tám thành công.

Rõ ràng Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn con đường giải phóng dân tộc một cách khoa học, đúng đắn, khắc phục triệt để hạn chế, sai lầm của những con đường cứu nước trước đó. Chúng ta có sự chuẩn bị kĩ càng, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quan trọng là dự đoán thời cơ chính xác, chớp thời cơ kịp thời để phát động tổng khởi nghĩa thành công. Nếu điều kiện chín muồi đã đến mà không nắm lấy thời cơ, chần chừ, chờ đợi địch đầu hàng, trao quyền độc lập thì cơ hội ngàn vàng đó sẽ không bao giờ đến, Cách mạng Tháng Tám sẽ không thể xảy ra. Chính vì vậy, đó không phải là sự ăn may và Đảng ta không hề “cướp công” như những gì các thế lực thù địch phản động bịa đặt, xuyên tạc.

Thêm vào đó, ngay khi có được độc lập, tự do, Đảng ta ra sức xây dựng chính quyền mới, diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, coi đây là những nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách cùng với vấn đề “diệt giặc ngoại xâm”. Dân ta được bầu cử, thực hiện các quyền của một người dân tự do và độc lập, được chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Đó chính là giá trị sâu sắc và triệt để của Cách mạng Tháng Tám, một cuộc cách mạng không phải thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác mà là thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, đưa nhân dân lao động lên làm chủ.

Không chỉ với Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám còn có giá trị quốc tế to lớn. Nó đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ – Latinh đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, chống áp bức, nô dịch, giành độc lập, tự do; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất; cùng với Liên Xô, các lực lượng tiến bộ trên thế giới và quân đồng minh đánh đổ chủ nghĩa phát xít, giữ vững hòa bình cho khu vực và trên thế giới.

Một cuộc cách mạng như thế, một sự nghiệp giải phóng có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại như thế tại sao các thế lực thù địch, phản động lại có thể cố tình mà phủ nhận, xuyên tạc, “đổi trắng thay đen” như vậy. Đó là có tội với lịch sử, có tội với dân tộc, nhân dân.

QUANG MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.