Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 11:36:10

Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố QP-AN, xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh

Ngày đăng: 06/08/2019

QK2 – Tuyên Quang có diện tích tự nhiên 5.868 km2, dân số trên 76 vạn người, có 22 dân tộc, 7 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện và 1 thành phố); 141 xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tăng cường, củng cố quốc phòng không chỉ để bảo vệ Tổ quốc mà còn tạo điều kiện bảo đảm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện. 
Hiện nay, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Tuyên Quang chú trọng tập trung đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm: Khu Công nghiệp Long Bình An, Khu Công nghiệp Sơn Nam và cụm, điểm công nghiệp. Trong xây dựng và tổ chức thực hiện các vùng kinh tế, tỉnh luôn chú trọng giải quyết hài hòa các giá trị cả về kinh tế, dân cư, văn hóa, xã hội, QP-AN… Cùng với đó, tỉnh thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển công nghiệp, tập trung vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thuỷ điện; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Năm 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đứng ở vị trí thứ 63 trong bảng xếp hạng, thì năm 2015, tỉnh đứng ở vị trí thứ 48 và năm 2018 xếp vị trí thứ 34/63 tỉnh, thành phố…
Nhận thức sâu sắc về phát triển KT-VHXH là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh để thực hiện nhiệm vụ này. Nhờ đó KT-VHXH của tỉnh trong những năm gần đây đã có sự phát triển tích cực. Các địa phương luôn coi trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc ít người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,81% (năm 2015) xuống còn 15,38% (năm 2018). Thực hiện đầu tư hạ tầng nông thôn để thúc đẩy kinh tế hàng hóa; thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Hệ thống đường giao thông liên tỉnh, huyện, xã, giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp nối liền các khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; các khu vực trọng điểm về kinh tế, quốc phòng phát triển tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng, phương tiện và tác chiến khu vực phòng thủ khi có chiến tranh. Mạng lưới y tế được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; mô hình bệnh viện, trạm y tế quân, dân y kết hợp phát huy có hiệu quả, sẵn sàng chuyển thành các bệnh viện, trạm phẫu thuật và cứu thương khi có chiến tranh.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS TP. Tuyên Quang giúp nhân dân trên địa bàn làm đường bê tông.

Trong khi tập trung phát triển KT-VHXH, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh vẫn luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN, đặc biệt là xây dựng LLVT địa phương vững mạnh để thực hiện tốt chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quân sự – quốc phòng địa phương. Từ năm 2014 tới nay, tỉnh đã tổ chức được 1 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; 7/7 huyện, thành phố đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, kết quả đạt loại giỏi; 100% các sở, ban, ngành từ tỉnh tới huyện đều đã xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động quốc phòng, an ninh. Lực lượng thường trực, dân quân, tự vệ và dự bị động viên tổ chức chặt chẽ, được giáo dục, huấn luyện nghiêm túc, chất lượng tổng hợp được nâng cao… 
Trong phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tỉnh Tuyên Quang luôn thực hiện kết hợp giữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, cơ cấu kinh tế địa phương với xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt, các cụm chiến đấu, các xã, phường chiến đấu trên địa bàn tỉnh; kết hợp giữa đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế với xây dựng các công trình quốc phòng, phòng thủ dân sự, thiết bị chiến trường… bảo đảm vừa phục vụ quốc phòng, quân sự vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và kết hợp giữa xây dựng các cơ sở kinh tế vững mạnh, rộng khắp với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật và hậu phương vững chắc. 
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang xác định, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục để nâng cao nhận thức trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương về kết hợp phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức kết hợp giữa hai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh theo hướng chủ động gắn kết xây dựng với tự bảo vệ; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh trong từng dự án đầu tư, quy hoạch phát triển vùng; không ngừng xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh, đủ khả năng làm tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

PHẠM MINH HUẤN
Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.