Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 03:57:07

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”

Ngày đăng: 01/06/2019

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5-6-1889/5-6-2019), sáng 1-6, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”. Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, cụ Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889, tại Hà Nội, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cụ Nguyễn Văn Tố là người vừa uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học, có nhiều bài biên khảo và nghiên cứu lịch sử văn hóa rất phong phú, đa dạng, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc sâu sắc.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc hội thảo.

Là người thông tỏ Tây học, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố luôn giữ cho mình cốt cách dân tộc. Trong ký ức của nhiều người, cụ Nguyễn Văn Tố quanh năm khăn xếp, áo the, hết lòng chăm lo xoá nạn mù chữ và nâng cao dân trí cho những người lao động.

Khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ lâm thời sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, từ một học giả, một nhân sĩ yêu nước, cụ Nguyễn Văn Tố nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy cách mạng, dồn tâm lực cho việc cùng nhân dân diệt “giặc đói”, “giặc dốt”; cùng Chính phủ thông qua bản kế hoạch rõ ràng về việc cứu tế, đồng thời tổ chức một cuộc vận động quyên góp gạo, kịp thời hỗ trợ người dân nghèo vượt qua nạn đói.

Sau khi trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội tại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, cụ Nguyễn Văn Tố được Quốc hội bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, chức vụ tương đương với Chủ tịch Quốc hội ngày nay. Chỉ giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội trong 8 tháng, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này.

Với sự lãnh đạo của cụ Nguyễn Văn Tố, Ban Thường trực Quốc hội đã cho ý kiến vào nhiều dự án quan trọng trình Quốc hội, như: Dự án Luật Lao động, Dự thảo Hiến pháp. Bản Hiến pháp năm 1946 là hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông, được thông qua với sự nhất trí gần như tuyệt đối. Ngoài ra, cụ Nguyễn Văn Tố cũng tham gia rất tích cực vào công cuộc kiến thiết đất nước, công tác đối ngoại.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên của Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp tập kích Bắc Cạn, cụ Nguyễn Văn Tố không may sa vào tay giặc, bị chúng tra tấn dã man và sát hại khi sự nghiệp cách mạng của cụ còn đang dang dở.

“Cụ Nguyễn Văn Tố đã ngã xuống vì cách mạng, vì nước cộng hoà non trẻ, nhưng những cống hiến của cụ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ đã cống hiến trọn vẹn Đức-Trí-Dũng cho cách mạng, cho khoa học và văn hóa nước nhà”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói, khi chính quyền cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi những bậc hiền tài ra giúp dân, cứu nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã gác lại sự nghiệp học thuật đang rất thành công để tham gia chính quyền cách mạng. Trên cương vị là nhà lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, cụ luôn nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đem hết tâm sức, trí tuệ để phục vụ quốc dân, đồng bào, góp phần xây dựng nền dân chủ mới, xã hội mới. Tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm lẽ sống, cụ đã cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công.

Với những cống hiến to lớn và nỗ lực không ngừng nghỉ cho đến lúc anh dũng hy sinh, cụ Nguyễn Văn Tố thực sự là tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, người trí thức tài năng tiêu biểu của dân tộc với lòng yêu nước nhiệt thành, không hám hư danh, không màng danh lợi.

Hội thảo là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của thế hệ cha anh cho các thế hệ hôm nay và mai sau, để chúng ta tiếp tục vững bước, kiên định đi theo con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tiền bối tiêu biểu đã lựa chọn, xây dựng cơ đồ dân tộc vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bày tỏ tự hào khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có vị Bộ trưởng đầu tiên là cụ Nguyễn Văn Tố, người được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) đầu tiên của nước ta.

Ngày nay, khi Đảng, Nhà nước ta đang lãnh đạo cả nước thực hiện những chủ trương lớn để nâng cao đời sống nhân dân, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”, phong trào xóa đói giảm nghèo, “Cả nước chung tay vì người nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”,… trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đã khác rất nhiều so với thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám, nhưng những bài học kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng nhân dân, tác phong đạo đức làm việc của đội ngũ cán bộ của thời kỳ Bộ Cứu tế xã hội mới ra đời và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố vẫn mang giá trị thực tiễn sâu sắc.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, cũng bày tỏ niềm tự hào khi Hà Nội là quê hương của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố. Hà Nội đã lấy tên cụ Nguyễn Văn Tố đặt tên một con đường thuộc phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và đặt tên một trường học-Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố thuộc phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm 2011, học giả Nguyễn Văn Tố được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng để ghi nhớ công lao của cụ với đất nước.

“Trên cơ sở những thành tựu đạt được, phát huy kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô”, đồng chí Ngô Thanh Hằng nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu tham luận để phân tích, luận giải về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp lớn lao của cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp cách mạng nước nhà và tấm gương đạo đức trong sáng, cao đẹp của cụ cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.