Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 07:22:10

Học tập phong cách làm báo của Bác Hồ

Ngày đăng: 21/06/2020

QK2 –  Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khai sinh, sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, người thầy của các nhà báo. Người luôn coi viết báo để làm cách mạng. Theo tổng kết, Người đã sử dụng 169 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau trong các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật. Tác phẩm đầu tiên của Người là “Quyền của các dân tộc thuộc địa” trên Báo Nhân đạo (Pháp) ngày 18-6-1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” trên Báo Nhân dân (Việt Nam) ngày 25-8-1969. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký…

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

Báo Thanh niên do Người sáng lập ra là cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp phụ trách, ra số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, và đây cũng là Ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam.

Người đã sáng lập ra hàng chục tờ báo và đã chỉ thị thành lập các cơ quan báo chí lớn ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hệ thống các quan điểm, tư tưởng đặc sắc cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.  

Theo nghiên cứu những lời Bác dạy, trong phong cách viết báo, làm báo của Bác thể hiện trên một số quan điểm, phong cách như sau:

– Viết báo phải có căn cứ.

– Viết cho sát đối tượng.

– Viết ngắn gọn, giản dị.

– Viết sinh động, lôi cuốn.

– Khiêm tốn sửa bài của mình.

– Viết thẳng thắn, có tính chiến đấu.

 – Điều nhất thiết là cán bộ báo chí phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng…

Có thể nói, tiền tiết kiệm của Bác chủ yếu là nhuận bút các báo trả và Bác sử dụng số tiền tiết kiệm ấy để thực hiện công việc có ý nghĩa lớn lao. Câu chuyện về Bác dùng nhuận bút để chăm lo mua nước cho chiến sĩ phòng không là minh chứng sinh động ấy.

Vào mùa hè năm 1967, đến với cái nắng nóng khủng khiếp như bao mùa hè khác trên miền Bắc Việt Nam. Bác Hồ đã bước sang tuổi 77, sức khỏe vốn đã yếu của Người lại bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. 

Với bộ đội phòng không Việt Nam, mùa hè 1967 cũng đem đến sự căng thẳng chưa từng có. Hệ thống phòng không miền Bắc cũng chịu sức ép nặng nề, phải trực chiến liên tục trong điều kiện nắng nóng. Nhiều khi bộ đội vừa hạ cấp báo động, lại phát hiện máy bay địch bay vào, lao ra mâm pháo trực chiến thì chờ mãi không thấy địch đâu. Sức khỏe, tinh thần giảm sút rõ rệt.

Một lần, Bác Hồ nhìn thấy các chiến sĩ trọng liên 14,5mm trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình trong cái nắng hầm hập như thiêu như đốt. Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ – thư kí của Người:

– Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì sao chịu được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.

Người thư ký mẫn cán của Bác lên nóc hội trường thăm anh em chiến sĩ. Trên đó có một tổ súng phòng không 14,5mm, nhưng công sự, ụ cát rất sơ sài, địch bắn vào rất dễ hi sinh. Trời nắng nóng, chỉ đứng một lúc mà Vũ Kỳ đã thấy hoa mắt chóng mặt. Anh hỏi một chiến sĩ:

– Các đồng chí có nước ngọt uống không?

– Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt?

Nghe đồng chí Vũ Kỳ về báo cáo, Bác liền gọi ngay cho Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng:

– Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!

Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Người, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo:

– Thưa Bác, còn lại tất cả 25.000 đồng.

Số tiền này rất lớn, tương đương với khoảng 60 lượng vàng. Đây không phải là lương, vì lương Chủ tịch nước của Bác chỉ vừa đủ tiêu. Số tiền này là nhuận bút mà các báo trả cho Bác.  Bác bảo:

– Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng Tham mưu và nói: “Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!”

Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không – không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: Số tiền của Bác mua nước uống cho bộ đội phòng không – không quân được một tuần. Sự quan tâm chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng phòng không đã tiếp thêm sức mạnh giúp những người lính gìn giữ bầu trời vượt qua được một mùa hè nóng bỏng nhất, để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Phong cách làm báo của Bác là những bài học sinh động, sâu sắc để cho mỗi nhà báo hôm nay học tập và làm theo.

K.B

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.