Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 11:58:57

“Hình tượng người chiến sĩ Tây Bắc – Xưa và nay”

Ngày đăng: 08/12/2018

QK2 – Hướng tới Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2018); 29 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2018), tối 7-12, Cục Chính trị Quân khu phối hợp với Thư viện Quân đội, Tổng cục Chính trị và Trung đoàn 82 tổ chức chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm với chủ đề “Hình tượng người chiến sĩ Tây Bắc – Xưa và nay”. Đây là hoạt động thiết thực đẩy mạnh hoạt động thư viện, sách báo với nhiều hình thức sinh động, thiết thực, khơi dậy niềm đam mê đọc sách thúc đẩy văn hóa đọc, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mở màn đêm giao lưu là màn hát múa “Tự hào người chiến sĩ Tây Bắc – Bộ đội Cụ Hồ” với các tác phẩm: Chúng tôi Bộ đội Cụ Hồ; Tổ quốc gọi tên mình và điệu nhảy truyền thống Quân đội do đội văn nghệ quần chúng Trung đoàn 82 biểu diễn.

Đồng hành với chương trình giao lưu có sự tham gia của một người đã từng là nhà thơ “nhí” tài năng, có danh hiệu “thần đồng thơ ca” ở độ tuổi lên 8, lên 9 và theo đuổi thơ như một sứ mệnh. Với ông, thơ là người bạn đồng hành, cùng nhau trên suốt chặng đường đời, đã từng tạm gác giấc mơ vào đại học để lên đường nhập ngũ; hoà bình trở lại, ông tiếp tục học tập, công tác, sáng tác đóng góp cho nền văn học Việt Nam bằng rất nhiều tác phẩm nổi bật như: Đảo chìm, Trận địa bỏ không, Thầy giáo đi bộ đội… đó là nhà thơ, nhà văn, nhà báo Trần Đăng Khoa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Ngọc Khuê tại buổi giao lưu.

Một khách mời khác – một người lính đầy khát vọng và lạc quan yêu đời, nhạc sĩ Ngọc Khuê, nguyên Trưởng đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật Đoàn nghệ thuật Không quân, Chủ nhiệm Nhà văn hoá Quân chủng Phòng không – Không quân. Ông cũng là người đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Nhắc đến ông, công chúng yêu nhạc không chỉ nhớ tới “Mùa xuân làng lúa, làng hoa” mà còn biết tới những sáng tác về người chiến sĩ, về tình yêu, quê hương, đất nước như: Mùa hạ đầu tiên, Hạt nắng hạt mưa, Tình yêu với người chiến sĩ… 42 năm công tác trong quân ngũ, ông đã sáng tác hơn 300 ca khúc về người lính và nhận nhiều giải thưởng. Ngoài ra, ông còn dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật cho nhiều chương trình ca múa nhạc khác…

Buổi giao lưu với các diễn giả được bắt đầu bằng những câu hỏi được đưa ra từ nữ MC xinh đẹp Hải Tần dành cho nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Ngọc Khuê xoay quanh một số tác phẩm tiêu biểu viết về người lính, Bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như những thông tin và hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm đó. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82, nhà thơ Trần Đăng Khoa với 30 năm mặc áo lính có rất nhiều kỷ niệm thời quân ngũ, nhà thơ đã dành nhiều thời gian kể về những câu chuyện, những kỷ niệm nhằm chia sẻ, động viên những khó khăn vất vả của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82, xây dựng ý chí quyết tâm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Đối với nhạc sĩ Ngọc Khuê, trong những năm tháng kháng chiến, nhạc sĩ đã đem lời ca, tiếng hát át tiếng súng, tiếng bom, là sức mạnh động viên tinh thần, khơi dậy tình yêu cháy bỏng của các chàng trai, cô gái trẻ xung phong ra tiền tuyến đánh đuổi quân thù bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Trong đời quân ngũ, nhạc sĩ Ngọc Khuê có cả gia tài âm nhạc mà phần lớn là những sáng tác về bộ đội đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người nghe. Đặc biệt, chính nhạc sĩ Ngọc Khuê đã hát tặng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82 bài hát “Gặp gỡ đồng đội” ngay tại đêm giao lưu với cây đàn ghi ta; giai điệu thật đẹp và những ca từ sâu sắc, giàu ý nghĩa. Ca khúc “Gặp gỡ đồng đội” của Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã trở thành bài hát chính thức của chương trình “Đi tìm đồng đội” được phát sóng hàng tuần trên kênh QPVN và VTV2.

Đêm giao lưu là cầu nối gắn kết giữa nhiều thế hệ, là dịp để các chiến sĩ trẻ hôm nay may mắn và hạnh phúc được sinh ra trong thời bình hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước, qua những lời ca, tiếng hát và cả những vần thơ của hai diễn giả. Đầy xúc động, Tiểu đội trưởng Bùi Xuân Hòa, Đại đội 5, Tiểu đoàn 5 đã trực tiếp đặt câu hỏi với nhạc sĩ Ngọc Khuê, mong muốn nhạc sĩ sáng tác một ca khúc mới viết về người lính Tây Bắc để tặng cho những người lính trên mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Đại tá Trần Thị Bích Huệ, Giám đốc Thư viện Quân đội và Đại tá Nguyễn Thắng Xuân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu tặng hoa các diễn giả tham gia giao lưu.

Những câu chuyện mà nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Ngọc Khuê tâm sự tại đêm giao lưu thật sự sâu sắc, dí dỏm và đi vào lòng người; đồng thời thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ Tây Bắc xưa và nay trong chiến đấu cũng như trong thời bình, làm nổi bật thêm phẩm chất, truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ. Kế thừa và phát huy truyền thống của cha anh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 82 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức rèn luyện, học tập, thi đua lao động, sáng tạo, tô thắm thêm truyền thống “Trung thành, đoàn kết, tự lực, tự cường, anh dũng, chiến thắng” của Trung đoàn; mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng.

Bài, ảnh: VĂN DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.