Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 05:54:41

Hiểu đúng và tôn trọng giá trị lịch sử

Ngày đăng: 12/08/2019

QK2 – Cách đây 65 năm, đêm 20 rạng ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết. Đây là một trong những thắng lợi về mặt ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đạt được trên bàn Hội nghị, nhưng trước hết đó là kết quả từ những chiến thắng trên mặt trận quân sự mang lại, trong đó có Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên cùng Hội nghị Giơ-ne-vơ đã đi vào lịch sử như những huyền thoại của cách mạng. Ấy nhưng, trong dịp này, một số người rời bỏ đất nước thời kỳ ấy, nay còn ở hải ngoại lại nhóm họp và coi đó là “Ngày Quốc hận” bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết để tạm chia đôi đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17, nơi có dấu mốc là cầu Hiền Lương bắc ngang con sông Bến Hải ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Những người trong cuộc họp mặt đó hiểu chưa đúng, chưa hết lịch sử, chưa hết mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc; xuyên tạc lịch sử, vì thế họ coi ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ 20-7-1954 là khởi đầu cho làn sóng di cư “trốn chạy cộng sản”…

Tham quan, học tập tại bảo tàng để hiểu sâu sắc giá trị lịch sử truyền thống.

Mặt dù, những người của thời kỳ ấy đã vào độ “xưa nay hiếm”; tuy thế, họ gợi lại và tuyên truyền lên mạng xã hội những nội dung không đúng, xuyên tạc lịch sử, cho rằng: So sánh với nhiều giai đoạn lịch sử thì 20 năm của nền cộng hòa là thể chế tốt nhất mà Việt Nam đã có, hằn học chế độ cộng sản của Việt Nam từ đó đến nay và nêu quan điểm: Dù không bảo vệ được Việt Nam Cộng hòa, nhưng tinh thần tự do, dân chủ của thời điểm lịch sử đó sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt; chính vì thế họ kêu gọi thành lập cái gọi là Trung tâm bảo tàng Thuyền nhân Việt Nam cộng hòa với kỳ vọng góp kinh phí, giúp các học sinh đến tìm hiểu và học hỏi về lịch sử cộng đồng người Việt…  

Có thể nói, sau  thắng lợi giòn giã trên các chiến trường mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ phản ánh xu thế chung của các nước lớn trong bối cảnh tình hình quốc tế lúc bấy giờ. Thắng lợi lớn nhất chính là ở chỗ các nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ, đặc biệt là nước Pháp đã phải tuyên bố tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.

Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã nghiêng hẳn lợi thế về Việt Nam, trong khi cục diện các nước lớn, tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ chính thức khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của 9 nước: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vương quốc Lào, Vương quốc Cam-pu-chia và Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại). 

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) đến Giơ-ne-vơ trong tư thế của người chiến thắng nhưng lại bị xếp vào diện khách mời “bên có liên quan”. Ngay trong phiên họp đầu tiên bàn về vấn đề chiến tranh Đông Dương, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam DCCH, Ngoại trưởng Phạm Văn Đồng đã đưa ra Đề nghị tám điểm thể hiện rõ lập trường của Việt Nam DCCH, trong đó yêu cầu Pháp công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; phải rút quân đội ra khỏi ba nước.

Đảng ta đã khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đã đoàn kết nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng. Đó là kết quả của chín năm kháng chiến của đồng bào toàn quốc… ”. Hiệp định Giơ-ne-vơ khẳng định vị thế của Việt Nam với tư cách là một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Lần đầu tiên, Pháp và Mỹ phải chính thức công nhận điều đó và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đó là thắng lợi chính trị và pháp lý quốc tế vô cùng to lớn và quan trọng đối với Việt Nam, tiếp nối những thắng lợi về quân sự mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, tại diễn đàn này, sự thỏa hiệp giữa các nước lớn đã đưa đến một sự ràng buộc trách nhiệm lỏng lẻo giữa các bên tham dự và Mỹ đã không chịu ký vào Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Chính điều này tạo ra cái cớ cho Mỹ lợi dụng để thực hiện ý đồ chiến lược lâu dài của họ. Kết cục của “hậu” Hội nghị Giơ-ne-vơ là Tổng tuyển cử đã không diễn ra và nhân dân Việt Nam đã phải đi tiếp chặng đường 21 năm trường kỳ kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước.

Hơn sáu mươi năm qua, tinh thần, giá trị lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn cả về thực tiễn lẫn lý luận. Còn những kẻ không hiểu hết lịch sử, cố tình xuyên tạc lịch sử, tạo cớ để phủ nhận thành quả cách mạng, đấy là chà đạp lên lịch sử, phá hoại cuộc sống ấm no. tự do, hạnh phúc, thành quả mà biết bao thế hệ con người Việt Nam cống hiến, hy sinh xương máu mới giành lại được.

Để đi đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ta phải giành chiến thắng về quân sự, chính trị, ngoại giao. Hiểu đúng lịch sử ấy, chúng ta càng khẳng định giá trị của Hiệp định Giơ-ne-vơ và đó cũng là những bài học kinh nghiệm quý giá cho cách mạng Việt Nam trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hôm nay, mai sau. Mỗi chúng ta cần đấu tranh, loại bỏ những nội dung xuyên tạc về sự thật lịch sử của một số người từ bỏ Tổ quốc, từ bỏ nhân dân, di tản từ sáu mươi lăm năm trước.

Bài, ảnh: VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.