Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 09:25:43

Hiệp định CPTPP – cơ hội và thách thức

Ngày đăng: 06/11/2018

QK2 – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang là chủ đề nóng trong thời gian gần đây được sự chú ý của dư luận. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận để xem xét việc phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Trước đó, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã báo cáo Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn các nội dung này. Dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 12-11.

Toàn cảnh kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV.

Thảo luận của các đại biểu tại phiên họp đều tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan; khẳng định việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn Hiệp định CPTPP là một quyết định quan trọng, thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).  

CPTPP, hay còn gọi là TPP-11, là Hiệp định Thương mại tự do giữa 11 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP, tiền thân là TPP thống nhất quy định thương mại giữa các nước tham gia, có dân số khoảng 500 triệu người và tổng giá trị GDP trên 11 nghìn tỷ USD, tức hơn 13% GDP toàn cầu. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước trong đó có Mỹ, tuy nhiên Mỹ đã rút khỏi danh sách này.

Tại Tờ trình báo cáo trước Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Ngày 8-3-2018 tại Santiago, Chile, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước: Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore. Sau khi ký Hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ liên quan đến 7 Chương là Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng), để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Mặc dù các nước thành viên CPTPP đã quyết định tạm hoãn áp dụng một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao, nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẵn được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khắng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á – Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, việc tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.  Triển khai CPTPP sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta.

Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế – xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng…. đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị – xã hội.

Theo các chuyên gia và các đại biểu, tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035; trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hằng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.

Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tuy nhiên cũng đòi hỏi các cấp, các ngành cần tích cực đổi mới toàn diện, phù hợp với các yêu cầu chủ động hội nhập sâu rộng quốc tế.  

VIỆT LONG (Tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.