Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 12:33:54

Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Ngày đăng: 17/05/2022

Một trong những đặc trưng cơ bản về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được nêu trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương là: “Có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lạc quan; nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không thỏa mãn với thành tích, không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy”.

Qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phẩm chất cao đẹp ấy vẫn luôn được các cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta gìn giữ, phát huy, dù thời chiến hay thời bình.

1. Hơn 50 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, có một tấm gương tiêu biểu, được ví như “Pavel Corsaghin” (nhân vật trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy") của thanh niên miền Bắc. Đó là tấm gương liệt sĩ Vương Đình Cung, “cậu ấm” duy nhất của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Lê Quý Quỳnh (tức Vương Văn Thành).

Bộ đội giúp nhân dân gánh lúa về nhà.

Những người thân trong gia đình liệt sĩ Vương Đình Cung kể rằng: Trong lúc quân đội chưa có chủ trương huy động sinh viên ra trận, năm 1965, khi đang học năm thứ nhất Trường Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Vương Đình Cung đã viết thư, tha thiết nhờ bố cho mình về quê để nhập ngũ: “Bố ạ, con sẽ đi bộ đội vì nguyện vọng của con là trở thành một chiến sĩ cách mạng. Con biết đi là gian khổ, nhưng chắc bố chẳng bao giờ ngăn con. Ở đây họ chưa tuyển bộ đội, bố cho con về dưới ấy để con đi. Bây giờ chỉ có bố là cho con đi được thôi. Bố nói với các chú Tỉnh đội tuyển con vào nhé! Con thích đi lắm rồi, con thiết tha mong bố cho con vào quân đội…”. Trước nguyện vọng tha thiết ấy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh đã đồng ý cho cậu con trai duy nhất nhập ngũ vào Tiểu đoàn Bãi Sậy, một đơn vị của Tỉnh đội Hưng Yên, khi đó đang chuẩn bị hành quân vào chiến trường miền Nam. Được biết, ngay từ nhỏ, dù bố là Bí thư Tỉnh ủy, nhưng không bao giờ Vương Đình Cung ỷ thế bố. Lá thư đề đạt nguyện vọng “cho con về dưới ấy để nhập ngũ” chính là lần duy nhất Vương Đình Cung phải nhờ vào “uy” bố…

Có một điểm chung trong mỗi câu chuyện kể từ các đồng đội của liệt sĩ Vương Đình Cung, đó là chuyện về những lần Vương Đình Cung thiết tha trình bày nguyện vọng được ở lại đơn vị chiến đấu mỗi khi cấp trên gợi ý cử anh đi học; rồi những hôm anh lo tới mất ăn mất ngủ khi biết cấp trên muốn điều động anh về tuyến sau, bởi ngay từ khi nhập ngũ, Vương Đình Cung đã luôn xác định: “Vào Nam để ra trận”. Trong một lá thư viết cho em gái, Vương Đình Cung đã trích câu nói của nhân vật Pavel Corsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”; rồi căn dặn em: “Đời bộ đội quá gian nan, nhưng gian nan bao nhiêu anh cũng chịu đựng và vượt qua được. Em còn bé nhưng rèn luyện cho mình là vừa, có thế ta mới sống một cách có ích…”. Ngày 7-5-1970, trong một trận chiến đấu quyết liệt với quân địch, Vương Đình Cung đã anh dũng hy sinh.

Ngay sau ngày Vương Đình Cung hy sinh, Trung ương Đoàn đã phát động một phong trào học tập, noi theo liệt sĩ Vương Đình Cung cùng câu nói nổi tiếng: “Vào Nam để ra trận” của anh. Năm 2014, liệt sĩ Vương Đình Cung được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Anh hùng, liệt sĩ Vương Đình Cung là một trong số rất nhiều sinh viên đã rời ghế giảng đường đại học để thực hiện ước muốn nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu. Khi mang trên mình màu xanh áo lính, họ luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giữ gìn đạo đức trong sáng, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng “vì nhân dân quên mình”. Đó cũng là một trong những đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội đã và đang gìn giữ, phát huy.

2. Trong thế kỷ 21, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với các quốc gia. Hậu quả do những thách thức an ninh phi truyền thống gây ra có khi còn thiệt hại nặng nề, nghiêm trọng hơn những thách thức an ninh truyền thống. Tác động trực tiếp nhất đối với nước ta thời gian gần đây là đại dịch Covid-19. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng sự nỗ lực, đồng thuận của toàn dân, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, chúng ta đã phòng, chống, khắc phục kịp thời, hiệu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Trong thành quả chung đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao những nỗ lực to lớn của các cán bộ, chiến sĩ quân đội. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Cán bộ, chiến sĩ quân đội đã phát huy tốt vai trò xung kích, nòng cốt, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, không quản ngại gian khổ, hy sinh, phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống, khẳng định vai trò, chức năng của “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. 

Đã từng có câu hỏi đặt ra: “Bộ đội thời bình sướng hay khổ?”. Tìm đáp án cho câu hỏi ấy, chúng tôi không vội gặp những người lính trong quân ngũ mà tới hỏi chuyện những người vợ của các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác xa nhà. Các chị bộc bạch rằng, có dịp đến thăm chồng ở đơn vị mới thấy công việc của chồng còn bận hơn cả công nhân ở các công ty da giày, may mặc… Bởi theo chức trách, nhiệm vụ, họ phải làm việc liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, nếu là cán bộ trung đội thì phải quản lý trực tiếp chiến sĩ, “cùng ăn, cùng ở, cùng học tập, huấn luyện” với chiến sĩ. Vì thế mà dù nhà gần hay xa đơn vị thì họ cũng không dễ có điều kiện về nhà ăn cơm, ngủ nghỉ cùng vợ con… Bố mẹ công tác xa, những đứa trẻ cũng chịu không ít thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Một anh bạn sĩ quan công tác xa nhà tâm sự, lâu lâu có dịp về thăm gia đình, khi đưa các con đi chơi ở siêu thị, khu mua sắm, thấy các con xem cái gì cũng rụt rè, lạ lẫm, không hào hứng như các bạn cùng tuổi. Thì ra ở nhà, vắng chồng nên vợ anh luôn đầu tắt mặt tối, không có thời gian dứt ra khỏi công việc nội trợ, chăm sóc con cái để đưa chúng đi “giải ngố” ở những khu vui chơi sầm uất, hiện đại, cho dù nhà không quá xa trung tâm thành phố. “Mỗi lần về, dẫn các con đi chơi, đi ăn những đồ ngon vật lạ để bù đắp cho những tháng ngày xa bố, vợ tôi lại trách: Bố cứ chiều thế dễ làm các con hư”, anh bạn sĩ quan kể chuyện, cười vui mà khóe mắt rưng rưng…

Những câu chuyện trên cho thấy, có bao điều giản dị, đời thường như việc sinh hoạt, sum vầy vẫn hằng ngày diễn ra trong mỗi gia đình, nhưng với không ít quân nhân thì sự bình dị ấy lại có phần trở nên “xa xỉ”. Chuyện sum họp đối với nhiều gia đình quân nhân càng khó khăn hơn trong những năm qua, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cán bộ, chiến sĩ quân đội đã không ngại hiểm nguy, gác lại nỗi niềm riêng tư để thực hiện trách nhiệm phụng sự nhân dân, mang sứ mệnh màu xanh áo lính đi giữa màu đỏ của tâm dịch để cùng đồng bào vượt qua khó khăn, thử thách…

Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân đã gặp hình ảnh các cán bộ, sĩ quan quân đội luôn tiên phong, đồng hành, sẻ chia gian khổ với chiến sĩ và nhân dân ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất; người dân cũng chứng kiến hình ảnh một sĩ quan ở Ban CHQS TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) nhận đỡ đầu 3 trẻ mồ côi, bởi tim anh đã nhói đau và nhòe nước mắt khi nghe các bé bày tỏ mong muốn được gọi anh là ba; hình ảnh buổi lễ tôn vinh các lực lượng chi viện TP Hồ Chí Minh chống dịch, nơi mà nước mắt đã rơi trên gương mặt các đại biểu dự lễ, thấm ướt cả khẩu trang… 

Phát biểu trong Chương trình "Nghĩa tình quân dân" (tháng 12-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Những người con của nhân dân mang sứ mệnh màu xanh áo lính đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, cần mẫn hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch; đi chợ; thu hoạch nông sản; phục vụ trong khu cách ly; canh gác các chốt kiểm dịch; cứu chữa người bệnh; chăm sóc em bé mồ côi; mai táng đồng bào tử vong do dịch bệnh bằng tất cả tấm lòng và trái tim chan chứa tình người. Kể sao hết được những người cha, người mẹ suốt mấy tháng trời chỉ nghe thấy tiếng, chỉ nhìn thấy mặt con yêu thương qua điện thoại; không ít cán bộ, chiến sĩ đã không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới vợ, cưới chồng, cưới con; không thể ở nhà lúc vợ trở dạ, sinh con… để hoàn thành mọi trọng trách mà nhân dân giao phó". 

Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng, sự đánh giá khách quan của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đúng với bản chất, truyền thống của Quân đội ta. 

Trải qua các cuộc kháng chiến, nhiều người con đã hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đã dũng cảm chiến đấu, xả thân, sẵn sàng “vì nhân dân quên mình”. Tiếp nối trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả ấy, trong thời bình, Bộ đội Cụ Hồ đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… và làm nghĩa vụ quốc tế. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã và đang tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, để trong gian khó, nguy nan, quân đội tiếp tục là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. 

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.