Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 06:34:21

 Hạt gạo tiến Vua

Ngày đăng: 16/04/2016

QK2 – Từ xa xưa, các Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (Đền Thượng) để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng thờ trời đất, thờ Thần Lúa, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm, nước nhà cường thịnh. Thời phong kiến, tại Đền Thượng treo hạt lúa thần đục bằng gỗ to như chiếc thuyền câu. Ngày nay, tín ngưỡng thờ Thần Lúa là một nghi lễ đặc sắc trong nhiều lễ hội dân gian vùng Đất Tổ.

Thần Nông thời mở nước

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương – vị vua Thủy Tổ Nam Bang – là cháu ba đời của Vua Thần Nông Viêm Đế. Thần Nông dạy dân làm ruộng, chế ra công cụ và làm lễ Tịch Điền hằng năm.Cách đây 2 năm, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại” (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam), PGS Chung Tông Hiến (Đại học Sư phạm Đài Bắc – Đài Loan) đã bàn về nghề nông, tín ngưỡng thờ Thần Lúa từ thời dựng nước của dân tộc Việt. Ông cho rằng, việc Việt Nam đưa tổ tiên Hùng Vương có liên quan huyết thống với Viêm Đế Thần Nông là một biểu hiện của hiện tượng “nương tựa”. Sau khi so sánh ghi chép của sách Lĩnh Nam Chích quái, Đại Việt Sử ký toàn thư (Việt Nam) với sách Việt sử lược (đời Minh – Trung Quốc), tác giả nhận định, một trong 3 nguyên nhân của hiện tượng này là do hình thức phản ánh việc khu vực trồng lúa nước cùng sùng bái Viêm Đế Thần Nông.

Tái hiện hình ảnh Vua đi cày đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc trong nhiều lễ hội ở các vùng quê Phú Thọ.

Tái hiện hình ảnh Vua đi cày đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc trong nhiều lễ hội ở các vùng quê Phú Thọ.

Truyền thuyết vùng Đất Tổ kể rằng, con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông. Mải ngắm cỏ cây chim chóc, bỗng có con chim thả một bông kê rơi trên mái tóc công chúa. Công chúa đem bông kê về trình Vua cha, Vua mừng cho là điềm lành, nghĩ rằng hạt này chim ăn được, người cũng ăn được liền bảo các Mỵ Nương ra bãi tuốt bông kê, bông thóc hoang mang về.

Mùa xuân, Vua giao hạt kê, hạt thóc cho các công chúa và dân đi quải (vung thóc bằng tay). Nhân dân vui mừng mang trống mõ rước Vua, rước kê, thóc ra đồng, lấy que nhọn chọc lỗ tra hạt, lại lấy cành tre cắm để chim không sà xuống ăn hạt được.

Đời sau, nhân dân nhớ ơn Vua Hùng, tôn làm Tổ nghề nông, thường gọi là Thần Nông, dựng đàn tịch ngay trên mom đất Vua dạy dân cấy lúa.

Đàn Tịch Điền thờ Thần Nông ở Minh Nông, Việt Trì. Theo tác giả Vũ Kim Biên, dân làng không dựng đình không phải vì nghèo mà do lệ, tế Thần Nông phải lộ thiên, không được làm trong đình.

Đàn Tịch Điền thờ Thần Nông ở Minh Nông, Việt Trì. Theo tác giả Vũ Kim Biên, dân làng không dựng đình không phải vì nghèo mà do lệ, tế Thần Nông phải lộ thiên, không được làm trong đình.

Khi bàn về công đức các Vua Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Kim Biên cho rằng, Vua Hùng phát kiến việc gieo hạt lúa thành mạ trên cao trước khi cấy xuống ruộng nước. Vua lại phát hiện ra chòm sao Thần Nông giống hình người, độ phát sáng vào đêm rằm tháng 8 báo trước kết quả mùa vụ, bèn cho lập đàn cầu Thần Nông bên bờ Đồng Lú. Từ đàn Thần Nông này lan tỏa đi khắp mọi nơi tiếp thu cách làm ruộng chiêm của Vua Hùng. Nhờ đó, Văn Lang đã là một quốc gia giàu mạnh, no đủ. Vua đã chăm lo, giải quyết được vấn đề cốt lõi nhất của cuộc sống là lương thực nuôi sống người.

Thần Lúa trong lòng dân Phú Thọ

Đàn Tịch Điền ở Phường Minh Nông (TP Việt Trì) bị chiến tranh và thời gian tàn phá, nay đã được phục dựng lại, nằm sát bờ đê sông Hồng, cạnh đó là đồng Tịch Điền mênh mang màu xanh của lúa. Trong khu vực có Đồi Lúa (kho Lúa) và chợ Lú (chợ Lúa)… Chợ Lú nằm ở lề thành phố công nghiệp nhưng vẫn nổi tiếng bởi các sản phẩm nông nghiệp, phảng phất nét dân dã từ xa xưa.

Xe biểu tượng bông lúa của phường Minh Nông trong lễ hội dân gian đường phố Việt Trì -  một hoạt động đặc sắc chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2016.

Xe biểu tượng bông lúa của phường Minh Nông trong lễ hội dân gian đường phố Việt Trì –  một hoạt động đặc sắc chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2016.

Tại đàn Tịch Điền, cùng với các thiết chế tại địa phương như các đền, đình, xưa kia nhân dân tổ chức 2 kỳ lễ hội là Thượng Điền và Hạ Điền để dân tế lễ và yết cáo Thần Nông phù hộ mùa màng tươi tốt; đồng thời tổ chức diễn xướng dân gian “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”. Theo ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó chủ tịch phường Minh Nông, lễ hội Tịch Điền bị ngắt quãng một thời gian, mới đây có năm đã được phục dựng. Các ông già, bà cả trong các làng vẫn nhớ như in lễ nghi trong lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” và mong muốn được duy trì theo đúng nền nếp xưa.

Tín ngưỡng thờ Thần Lúa cùng trời đất không chỉ ở Đền Thượng (Đền Hùng), đàn Tịch Điền ở Minh Nông, mà còn ở rất nhiều làng quê quanh Đền Hùng. Nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thị Huế (Viện Văn học Việt Nam) cho thấy, nhiều làng xã vùng Đất Tổ giữ phong tục thờ cúng Thần Nông ở nhiều địa điểm khác nhau như: Thờ ở đình làng, chùa chiền, miếu xóm, bờ ruộng… ở rất nhiều làng xã, lưu giữ trong các lễ hội.

Những cô thôn nữ làng Trám xúng xính diễn trò quẩy mạ cùng Vua Hùng xuống ruộng.

Những cô thôn nữ làng Trám xúng xính diễn trò quẩy mạ cùng Vua Hùng xuống ruộng.

Tại làng Trám (Tứ Xã, Lâm Thao), lễ nghi rước Thần Lúa trong Lễ hội Trò Trám quanh làng đã có ở làng từ ngàn đời nay, cùng các trò diễn “Tứ dân chi nghiệp”, vua cùng dân cấy, cày, kéo sợi, dệt vải, thầy – trò, cối xay, đơm cá, mua – bán… nhắc nhở người dân nhớ ơn Thần Lúa, coi trọng nghề nghiệp.

Hạt gạo tiến vua

Ai cũng biết sự tích “Bánh chưng, bánh dày” tượng trưng cho trời đất mà Lang Liêu từng dâng vua cha thể hiện tấm lòng có hiếu với trời đất, cha mẹ, quân vương. Tại hội thảo khoa học quốc tế “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại (nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam)” năm 2011, PGS-TS Nguyễn Thị Huế cho rằng, sự tích ấy là câu chuyện kể mang ý nghĩa ẩn dụ tiêu biểu về các sản phẩm được làm ra từ hạt lúa gạo.

Theo báo cáo tổng quan về kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tiến hành (2010-2011), PGS-TS Phùng Quang Thanh chủ nhiệm dự án, trong số các lễ vật dâng cúng, thờ tự Vua Hùng ở hầu hết các địa phương, có nhiều vật phẩm được chế biến từ gạo như: xôi, oản, gạo trắng, bánh chưng, bánh dày (bánh chưng, bánh dày chủ yếu do các làng ở Lâm Thao, Việt Trì dâng). Lễ vật cúng tế của thôn Cổ Tích, xã Hy Cương (Việt Trì) còn có 3 đon mạ nhỏ xanh tốt bày cạnh mâm xôi, gà, gạo… với ước nguyện cầu “phong đăng hòa cốc”, cày cấy thuận chiều, mùa màng bội thu.

Trong lễ nghi thờ cúng Thần Lúa quanh vùng Đất Tổ, có rất nhiều hoạt động tri ân công đức của các Vua Hùng, cũng là ông tổ nghề sản sinh ra lúa gạo, lấy chính hạt gạo làm vật phẩm thờ cúng Vua Hùng. Nhiều lễ hội thổi cơm thi có ở rất nhiều làng xã như Hữu Bổ, Đào Xá, Kinh Kệ, Tứ Xã, Đoan Hạ, Hiền Quan, Vực Trường… Đa số sau khi chấm, những nồi cơm thắng cuộc được dâng tiến Vua và các nhân vật thờ phụng.

Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày là nét đẹp truyền thống ở nhiều làng quê quanh núi Nghĩa Lĩnh. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hằng năm, dù cấp Trung ương hay địa phương chủ trì đều tổ chức hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày.

Thành kính dâng bánh chưng, bánh dày lên Vua Hùng trong lễ hội rước kiệu về Đền Hùng trong Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm

Thành kính dâng bánh chưng, bánh dày lên Vua Hùng trong lễ hội rước kiệu về Đền Hùng trong Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm

Bánh chưng, bánh dầy, sản phẩm làm từ gạo nếp thơm dẻo là vật phẩm không thể thiếu trong các lễ vật dâng Vua Hùng. Đó cũng là phong tục đẹp tỏ lòng thành kính của cư dân nông nghiệp tri ân công đức các vị đã có công khai sáng nghề trồng lúa nước, được chính người dân tôn lên thành Thần Lúa, Thần Nông.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO  

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.