Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 10:35:35

“Gian khổ mình từ chối… sẽ dành phần cho ai”

Ngày đăng: 08/11/2019

Bài 1: “Thần chết” ẩn mình

Mưa rừng xối xả cào cứa vào những nhà lán tạm của các đội rà phá vật cản thuộc Quân khu 2 đang làm việc tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Rừng núi thâm u, gió lạnh ướt át lùa qua tấm chăn mỏng. Tiếng thở dài xen với tiếng trở mình trằn trọc của bộ đội. Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội rà phá vật cản của Sư đoàn 316 nằm ở phản bên cạnh quay sang nói với tôi: “Công việc rà phá bom, mìn hết sức nguy hiểm, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Trời mưa đất nhão dò mìn dễ mất an toàn, mong sao mai tạnh ráo để bộ đội còn làm cho kịp tiến độ”…

Bom mìn, vật liệu nổ được lực lượng công binh rà phá, tập kết chờ hủy nổ.

Lùng Vai là xã miền núi. Những dãy núi trùng điệp gối đầu lên nhau như cánh cung che chắn thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Như người lính trận trở về đời thường, Lùng Vai mang nhiều thương tích, đó là những trái bom, mìn còn lẩn khuất sâu trong lòng đất, tận hang cùng ngõ hẻm. Vết thương chưa lành nhưng nhiệm vụ “phên giậu” với Tổ quốc không lúc nào ngơi nghỉ. Ông Sùng Seo Sài, Trưởng thôn Cốc Phúng chia sẻ: “Xã Lùng Vai có 5/21 thôn, trong đó có thôn Cốc Phúng thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Trở ngại lớn nhất của chúng tôi là đất rộng, nhưng diện tích nhiễm bom, mìn nhiều nên thiếu đất canh tác”.

Theo người dân địa phương, đất Lùng Vai màu mỡ, phù hợp với cây chuối, dứa… Cây chuối trồng trên mảnh đất này buồng dài như chiếc đòn gánh, quả to như cổ tay, vị thanh ngọt đặc trưng, hàm lượng dinh dưỡng cao. Chuối ở Lùng Vai là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, thời điểm được giá lên tới 2.000 đồng/kg. Chính vì vậy, mỗi tấc đất bị bỏ hoang là nỗi xót xa của cả người dân và chính quyền địa phương.

Đồng cảm và thấu hiểu những trăn trở của địa phương, từ tháng 6 năm 2019, Quân khu 2 đã điều động các đội công tác: Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316, Đội rà phá vật cản Lữ đoàn 543, Đội rà phá vật cản Bộ Tham mưu quân khu đi rà phá bom mìn trên diện tích 100ha thuộc xã Lùng Vai.

Trời Mường Khương mùa này đỏng đảnh, mưa nắng thất thường. Ngày nắng bỏng rát, đêm sương giăng ẩm thấp, lạnh lẽo. Cái khắc nghiệt, âm u của thời tiết càng làm gia tăng vẻ hùng vĩ, trầm mặc của những dãy núi. Cùng Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 lên điểm cao 750, tôi giống như các chiến sĩ công binh “ra trận”. Có khác các anh là thay vì phải mang đồ nghề gồm dao quắm, thuốn, xẻng và những chiếc vam nhỏ thì tôi mang theo máy ảnh và sổ ghi chép. Để bảo đảm an toàn, Đại úy Nguyễn Thanh Tú, Phó đội trưởng Đội rà phá vật cản Sư đoàn 316 dặn dò: “Đi rà phá bom, mìn chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn như: Không được vội vàng hấp tấp, người sau đi đúng vết chân người trước, buổi sáng đi đường nào, khi về phải đi đúng đường đó. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch nên khi vào địa hình mới có bom, mìn, anh nhớ thực hiện nghiêm”. Lời nhắc nhở của Tú làm tôi chú tâm hơn, căng mắt theo dõi những bước chân người đi trước và thận trọng hơn trong từng bước đi.

Tại thực địa, cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng bắt tay vào làm nhiệm vụ. Người phát cây, dọn cỏ, người cầm máy dò mìn, người thuôn, đào đất… Động tác ai nấy đều rất khẩn trương nhưng cũng rất tỉ mỉ, cẩn thận, nhẹ nhàng. Cách tôi không xa, Binh nhất Liệu Văn Thành đang dùng thuốn dò mìn. Hai chân Thành đứng vững chắc, hai tay cầm thuốn chuyên dụng chọc xuống đất mềm dẻo nhưng dứt khoát gọn gàng từ trái sang phải, từ gần đến xa. Đôi mắt Thành tập trung cao độ vào mũi thuốn khi dò lần trong lòng đất. Sau hơn một giờ lần mò, tìm kiếm, mũi thuốn của Thành chạm vào vật gì đó “sồn sột”. Người lính trẻ nhẹ nhàng đặt thuốn dọc theo thân người, dùng xẻng hớt từng lớp đất mỏng khoảng 1cm. Vừa khẩn trương nhưng cũng rất từ tốn, đến độ sâu khoảng 30cm, quả mìn 652A lộ ra. Thành nhẹ nhàng đưa quả mìn lên khỏi mặt đất. Đây là giây phút căng thẳng nhất của công đoạn dò gỡ mìn.

Không gian im lặng, đặc quánh khiến tôi nghe thấy cả nhịp tim mình đang đập và cảm nhận được từng mạch máu đang chuyển động trong động tác tay của Thành. Chiến sĩ trẻ tuổi đôi mươi có nước da đen cháy vì nắng gió này đưa tay vào túi công tác bên hông lấy ra một chiếc vam nhỏ vặn dưới đáy quả mìn, vô hiệu hóa kíp nổ rồi lật quả mìn lên mở nắp vô hiệu hóa miếng kẹp nổ. Mấy chục năm chôn vùi dưới đất nhưng bên trong quả mìn vẫn còn sáng loáng. Nhìn những chi tiết sáng bóng ánh lên sắc lạnh gợn trong tôi suy nghĩ rờn rợn. Mìn còn mới thế kia, chẳng may chân ai giẫm phải thì… Tôi không muốn nghĩ tiếp nữa vì cái điều “chẳng may” kia đã bị chiến sĩ công binh vô hiệu hóa thành công.

Lực lượng công binh tập kết, phân loại, hủy nổ bom mìn, vật liệu nổ sau ra phá.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom, mìn và chịu hậu quả của bom, mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính số bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu héc-ta, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước. Bom, mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại tất cả các tỉnh, thành phố. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người thiệt mạng, khoảng 60 nghìn người bị thương. Phần lớn trong số họ là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2338/QĐ-TTg ngày 22-12-2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504, nay là Ban Chỉ đạo 701-Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam), do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban.

Bài, ảnh: VŨ THƯ – VĂN HIỆP

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.