Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 02:05:47

Giá trị văn hóa của Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày đăng: 13/03/2023

QK2 – Hằng năm cứ vào mùa Xuân, khắp mọi vùng miền trong cả nước lại quần tụ về vùng Đất Tổ linh thiêng để tri ân công đức của các Vua Hùng. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với những người có công với dân, với nước; tri ân các bậc tiền nhân và cầu mong quốc thái, dân an, một năm an lành, cuộc sống sung túc, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 315 lễ hội, trong đó có 311 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hoá. Các lễ hội dân gian truyền thống vùng Đất Tổ thường được gắn với không gian tâm linh và thực hiện các nghi lễ mang đặc trưng riêng. Trong các lễ hội đặc biệt phải kể đến giá trị của thờ cúng Hùng Vương. Đây là một tín ngưỡng bản địa, là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa lâu bền trong cộng đồng người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với nghi lễ trang trọng, cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian truyền thống và được tiến hành trên tinh thần tự giác, tự quản của cộng đồng, có sự tạo điều kiện của Nhà nước. Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian như: Rước kiệu truyền thống, tổ chức Hát Xoan, đánh trống đồng, thi giã bánh giầy, gói bánh chưng… được phục dựng nguyên bản làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng, không gian văn hóa truyền thống và gắn với rất nhiều phong tục tập quán tạo môi trường cho Tín ngưỡng thờ Vua Hùng được gìn giữ và lưu truyền, thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng. Qua đó khẳng định thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng bản địa, là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa lâu bền trong cộng đồng người Việt.

Lễ hội Đền Hùng mang giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc đã được minh chứng qua các chứng cứ sử học, khảo cổ học, dân tộc học… kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác để trở thành những nhận thức và tâm thức liên quan cội nguồn lịch sử lâu dài hàng ngàn năm của người Việt Nam, hàm chứa cả những giá trị truyền thống cốt lõi của cả dân tộc như: Truyền thống nhân văn – thượng võ với tinh thần kiên cường, bất khuất đấu tranh trước mọi thế lực ngoại bang xâm lược vì lý tưởng “độc lập, tự do và bác ái”; truyền thống thủy chung theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Những truyền thống đó đã được phản ánh và nhân lên từ hiện thực lịch sử để phát triển trong tâm thức, trở thành ý thức và hành động theo những đạo lý sống tốt đẹp của dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, là nhân tố tạo nên bản lĩnh của sức mạnh Việt Nam.

Từ Đền Hùng – Trung tâm thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nơi hội tụ sâu sắc nhất nghĩa “Đồng bào", nơi thể hiện thức về nguồn cội của hàng triệu triệu người dân đất Việt đã có sự lan tỏa mạnh mẽ không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước. Những không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là sự hồi cố về quá khứ, về lịch sử, là những bằng chứng sinh động và đầy sức thuyết phục về sự lưu truyền và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng là minh chứng cụ thể và sinh động, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Chính từ không gian văn hóa rộng lớn này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc, ý thức lịch sử, ước nguyện cộng đồng trong tư duy văn hóa người dân qua hàng nghìn năm, luôn luôn hòa quyện một cách tự nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, điểm đồng quy về ý thức cộng đồng – quốc gia – dân tộc, kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người Việt Nam, gắn với thờ cúng Tổ tiên là một biểu hiện nhất quán của văn hóa truyền thống dân tộc, được xem như một biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc được tổ chức theo nghi thức quốc gia. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương Mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Việc tổ chức lễ hội giàu giá trị văn hóa truyền thống nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN ĐẮC THỦY, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.