Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:40:12

Giá trị lịch sử văn hóa của Vườn hoa Nhà kèn ở thành phố Yên Bái

Ngày đăng: 19/08/2020

Di tích lịch sử văn hóa Vườn hoa Nhà kèn gắn với cụm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái những năm qua luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư nâng cấp của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Vườn hoa Hồng Hà, thành phố Yên Bái được xây dựng trên nền Vườn hoa Nhà kèn năm xưa. (Ảnh: Internet)

Vườn hoa Hồng Hà, thành phố Yên Bái được xây dựng trên nền Vườn hoa Nhà kèn năm xưa. (Ảnh: Internet)

Đảng viên Nguyễn Mạnh Hùng, Chi bộ tổ dân phố Hồng Tân, phường Hồng Hà gần 70 tuổi cho biết: "Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồng Hà là trọng điểm đánh phá. Gia đình tôi cũng như mọi người dân ở đây đều kiên cường bám trụ. Mỗi lần nghe tiếng loa của Đài Tiếng nói Việt Nam đặt ở khu Vườn hoa Nhà kèn vang lên, chúng tôi lại yên tâm lao động, học tập. Hiện, khu Di tích như một tiểu công viên để chúng tôi luyện tập thể thao và nhắc nhở con cháu về một thời lịch sử oai hùng của cha ông”. 

Di tích Vườn hoa Nhà kèn thuộc phường Hồng Hà được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh từ năm 2016. Được biết, Di tích xưa thuộc phố Hội Bình, thị xã Yên Bái từ đầu thế kỉ XX. Di tích đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước. 

Để phục vụ cho mục đích cai trị, thực dân Pháp cho xây dựng Vườn hoa trước, Nhà kèn xây dựng sau. Vườn hoa nhằm mục đích tạo cảnh quan đô thị, làm cho bộ mặt thị xã xanh, đẹp. Nhà kèn là nơi tập kèn, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, phục vụ văn hóa, nghệ thuật cho lính Pháp, lính khố xanh và quan chức hàng tỉnh, hàng huyện, lính tây, lính khố xanh, nhà giàu tới xem.

Cùng với khí thế thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 22/8/1945, tại Vườn hoa Nhà kèn, lực lượng cách mạng đã tổ chức ra mắt Ủy ban Cách mạng Lâm thời tỉnh Yên Bái do đồng chí Ngô Minh Loan làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc làm Phó Chủ tịch… Đồng thời, Ban Cán sự Đảng đã tổ chức cuộc mít tinh quần chúng tại đây thu hút gần 1 vạn người tham gia. 

Trong không khí phấn khởi ngày giành chính quyền, đồng chí Nguyễn Phúc thay mặt Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái tuyên bố: Yên Bái hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc và các thế lực thù địch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, Vườn hoa Nhà kèn trở thành trung tâm tỉnh lỵ, nhiều công trình được tu sửa, xây dựng mới khang trang hơn như: cửa hàng bách hóa, chợ, rạp chiếu bóng, hiệu sách nhân dân, sân vận động… và là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh, thị xã. 

Đồng thời, lắp đặt hệ thống loa truyền thanh trong khuôn viên Vườn hoa Nhà kèn để mỗi tối hoặc Chủ nhật, hàng trăm người dân đến nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền thanh tỉnh. 

Nếp sinh hoạt này kéo dài cho đến năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc, trong đó có thị xã Yên Bái. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 đến nay, tỉnh Yên Bái quy hoạch lại đô thị. Vườn hoa được cải tạo nhiều lần nhưng vẫn là một chứng tích lịch sử. 

Sau nhiều lần quy hoạch, hiện nay, Di tích Vườn hoa Nhà kèn (nay là Vườn hoa Hồng Hà) có diện tích khoanh vùng bảo vệ gần 2.000 m2 và được đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, đài phun nước, các thảm cây xanh… tạo thành khu vui chơi, giải trí, thư giãn của người dân thành phố. 

(Theo Báo YênBái)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.