Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 07:19:24

Gặp lại “Tiến xe lăn”

Ngày đăng: 11/10/2021

Về Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ thăm Vũ Đình Tiến, tôi mang tặng anh tờ Báo Quân khu 2 đăng bài anh viết về gương thương binh tiêu biểu. Sau cái chào theo đúng kiểu nhà binh, cầm tờ báo biếu trên tay, Vũ Đình Tiến hỏi ngay: Sắp đến ngày truyền thống LLVT Quân khu rồi hả chú? Anh cũng thấy mình vinh dự lắm đấy, bởi cũng đã từng là người chiến sĩ của Quân khu. Truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống Quân khu đã cho mình ý chí, nghị lực để sống. 
Tôi và Vũ Đình Tiến biết nhau khá lâu. Anh là nhân vật chính trong bộ phim phóng sự truyền hình “Trên chiếc xe lăn” của Báo Quân khu đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan truyền hình toàn quân năm 2003 nên “lý lịch” về anh, tôi vẫn nắm chắc như đọc “kịch bản truyền hình”. Năm 1983, khi vừa học xong lớp 10, cậu học trò giỏi văn cấp tỉnh của Trường cấp 3 Sáng Sơn, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Vũ Đình Tiến tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 23, Sư đoàn 314 (Quân khu 2). Sau những năm, tháng cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên, năm 1989, Vũ Đình Tiến về Trại thương binh K5 Gò Gai (nay là Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ) trên chiếc xe lăn với thương tật suy giảm 95% sức khỏe. Bị liệt cột sống, liệt hai chân, mọi sinh hoạt cá nhân của anh phải có người phục vụ. 

Vũ Đình Tiến – “Tiến xe lăn” nhận Giấy khen tại Đại hội thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ).

Ngày đầu về Trại K5, nhiều đêm ròng Vũ Đình Tiến không sao chợp mắt bởi nỗi đau về thể xác và tinh thần, tưởng chừng mọi ước mơ, hoài bão sẽ dừng ở đó, khi tuổi đời mới chớm độ 25. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn những không phế” và học tập nghị lực sống của các gương thương, bệnh binh từ chiếc radio cũ kỹ và từ tờ Báo Quân đội nhân dân, Báo Quân khu 2 trên kệ phòng đọc của Trại thương binh, Vũ Đình Tiến tự vấn bản thân, tại sao có những thương binh, bệnh binh mất mát hy sinh hơn mình mà họ vẫn còn làm được nhiều điều có ích… Bởi vậy, Vũ Đình Tiến đến với “nghề” viết (viết báo, viết văn và làm thơ) với sự đam mê của một người phải gắn trọn cuộc đời trên chiếc xe lăn ba bánh, để động viên tinh thần cho người bạn tâm giao và các thương, bệnh binh, nhân viên trong Trại.
Nằm ngửa trên xe lăn, Vũ Đình Tiến phải lấy tấm bảng học sinh của con kê lên bụng làm bàn để viết. Thậm chí có tác phẩm anh vừa nằm, vừa nghĩ và đọc cho cậu con trai học cấp I chép lại với những nét chữ nghệch ngoạc …, nhưng đổi lại những tác phẩm của anh đều được các cơ quan báo chí Trung ương, Quân đội và địa phương trân trọng đăng tải và phát sóng.
Đến giờ, khi đã trở thành Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, là cây viết quen thuộc của độc giả trong và ngoài Quân đội với hàng trăm tác phẩm báo chí, văn, thơ và vài đầu sách, trong đó phải kể đến tập truyện ngắn “Màu thời gian” và tập thơ “Khúc lãng du” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản. Vũ Đình Tiến vẫn nhớ như in tác phẩm đầu tay của mình với tiêu đề “Bản lĩnh” viết về một cựu chiến binh, thương binh mẫu mực, tiêu biểu làm kinh tế giỏi được phát sóng trong chuyên mục “Chuyện kể ở đại đội” của Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân. Ngày tác phẩm lên sóng, Vũ Đình Tiến mừng đến rơi nước mắt, vừa mở đài anh vừa lọc cọc lăn xe đến từng buồng thương, bệnh binh để chia sẻ niềm vui…
Vũ Đình Tiến hiện là người đã khá thành danh trong “nghề” viết với hàng chục giải thưởng báo chí, văn học, nghệ thuật được Trung ương, Quân đội và địa phương trao tặng; được Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương.
Không chỉ làm “nhà báo”, “nhà văn”, “nhà thơ”,  Vũ Đình Tiến còn học làm kinh tế để có thêm thu nhập cho gia đình từ việc mua cân chè, bán tạ giấy… và rồi trở thành “ông chủ” đại lý giấy Bãi Bằng, kinh doanh dịch vụ, thương mại và “bất động sản”…
Ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Phú Thọ, anh được mọi người trân quý gọi với cái tên “Tiến xe lăn” và suy tôn làm “thủ lĩnh” với gần 20 năm tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng thương, bệnh binh. Anh tâm sự: “Ăn cơm nhà, vác tù hàng tổng”, nhưng được anh em tín nhiệm thì mình phải trách nhiệm, hết lòng, hết sức vì đồng đội. 
Vượt lên những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, Vũ Đình Tiến đã “đứng dậy” như một người lành lặn, bình thường để khẳng định mình và sống có ích. Anh hiện có một gia đình hạnh phúc với cơ ngơi khang trang, nhà, xe đầy đủ. Vợ anh là nhân viên của một ngân hàng bộn bề công việc nhưng hết lòng vì chồng, vì con. Cậu con trai cả Vũ Đình Lâm ngày nào chép bài cho bố giờ đã là kỹ sư, tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, công tác ở địa phương, con dâu làm doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phú Hà và hai con nhỏ đang đi học phổ thông…
Chia tay Vũ Đình Tiến, anh tâm sự hiện đang ấp ủ tập truyện ngắn về đề tài phòng, chống đại dịch Covid-19 để tri ân những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 2- Những người đang ngày đêm viết tiếp bản hùng ca Tây Bắc.
Bài, ảnh: NGÔ VĂN 
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.