Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 11:06:15

Gắn quyền con người với quyền của dân tộc

Ngày đăng: 28/08/2019

QK2 – Lâu nay, các thế lực thù địch tập trung chống phá, xuyên tạc về quyền con người của nước ta; lợi dụng các vấn đề trong nước, những vấn đề còn hạn chế để tuyên truyền, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền con người. Chẳng hạn như vấn đề về môi trường, quản lý đất đai, luật an ninh mạng để lôi kéo người dân tụ tập đông người, kích động, gây rối, biểu tình, chống đối lực lượng chức năng từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật, trái với nguyên tắc quyền con người, gây rối loạn xã hội.

Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm.\

Quyền được học tập, giải trí của trẻ em. Ảnh: VL

Trong ngày Quốc khánh 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ vỏn vẹn hơn một nghìn chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng ý nghĩa và sâu sắc. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nô lệ lầm than, bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sức thuyết phục của tuyên ngôn thông qua áng văn chính luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, không thể phủ nhận, chối cãi về sự thật lịch sử.

Với mục đích rất rõ ràng, Người tuyên bố trước đồng bào và toàn thể nhân loại về quyền độc lập – tự do của dân tộc Việt Nam; bác bỏ những luận điệu có tính xuyên tạc của thực dân và bè lũ tay sai tại thời điểm lịch sử ấy cũng như sau này. “Nước Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ quyết tâm giữ vững quyền độc lập, tự do ấy”.

Để nâng cao sức thuyết phục, Bác đã trích dẫn hai Bản Tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn độc lập nhân quyền và dân quyền của Pháp, đề cập đến quyền độc lập, tự do của con người, suy rộng ra là quyền độc lập tự do của một dân tộc, từ đó lên án những hành động sai trái, chà đạp lên độc lập, nhân quyền của đế quốc, thực dân. Khác với tuyên ngôn của nhiều quốc gia, tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm độc đáo của Bác là gắn quyền con người với quyền của dân tộc và như vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai cũng là cuộc đấu tranh vì nhân quyền – quyền độc lập tự do của mỗi dân tộc và những giá trị về quyền con người, quyền dân tộc ấy trở nên bất hủ.

Suốt từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vì quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng, đưa đất nước Việt Nam phát triển. Từ quan điểm của Bác trong Tuyên ngôn độc lập, ở mỗi thời kỳ lịch sử, mục tiêu quyền con người được cụ thể trong chiến lược cách mạng cũng như nghị quyết của Đảng, quyết sách của Chính phủ. Các bản Hiến Pháp Việt Nam đều nhất quán quy định các quyền con người cũng như quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việt Nam đến nay cũng tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người như Công ước quốc tế về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006…

Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, “quyền con người” đã trở thành tên gọi của một chương, đó là điểm nhấn quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước phát triển và hội nhập đồng thời phản ánh tư duy phát triển, phù hợp với xu hướng; là sự khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đề cao nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, chủ quyền tối cao thuộc về Nhân dân; xóa bỏ ranh giới còn chưa rõ ràng giữa khái niệm về quyền con người và quyền công dân. Quyền con người là quyền tự nhiên, bất cứ ai cũng có quyền đó; quyền công dân là quyền của những người có quốc tịch Việt Nam.

Hiếp pháp cũng quy định, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Thực tế, quyền con người ở Việt Nam đã được bảo đảm đầy đủ, nhanh nhất, trong điều kiện có thể. Quyền con người ngày nay còn được mở rộng, trong đó có quyền tiếp cận với Internet, mạng xã hội… Quyền con người đã trở thành bản chất của chế độ xã hội. Mỗi mục tiêu, tiêu chí về quyền con người đều gắn với tình hình thực tiễn đất nước. Nếu đòi hỏi quá cao, vượt quá khả năng thực tế đất nước thì khó có thể đạt được và đây cũng là những vấn đề các thế lực thù địch thường lợi dụng kích động, chống phá. Bởi vậy trong bất cứ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, mọi người cần phải luôn cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhận thức đúng đắn, khách quan, đầy đủ về quyền con người, tôn trọng và phấn đấu bảo đảm quyền con người chính là xây dựng xã hội tốt đẹp, lành mạnh, văn minh. 

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.