Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 09:03:34

Đuối nước – Nỗi lo không của riêng ai!

Ngày đăng: 24/07/2019

QK2 – Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm ở nước ta có khoảng 2.000 trẻ em thiệt mạng do đuối nước. Thực tế, từ đầu kỳ nghỉ hè đến nay, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước vô cùng đau xót, cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà phần lớn các nạn nhân đều ở lứa tuổi học sinh, trong đó có hàng loạt vụ đuối nước tập thể thương tâm.

Chỉ trong 2 ngày 16 và 17-7, tại khu dân cư số 3, xã Xuân Lộc (Thanh Thủy, Phú Thọ) và xã Khánh Hiệp (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã có 8 người tử vong do đuối nước (trong đó, có 3 sinh viên đại học năm cuối và 4 em nhỏ là anh chị em họ). Các vụ việc xảy ra đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho người thân, gia đình. Mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự giám sát, chăm sóc trẻ của các bậc phụ huynh nhất là ở vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn. Nhiều trẻ em còn chưa biết bơi, không có kiến thức và các kỹ năng ứng phó, ngăn ngừa đuối nước. Thậm chí, có những trẻ em biết bơi nhưng vẫn đuối nước bởi các em không được trang bị kỹ năng mềm phòng chống đuối nước, nên đã gặp phải những rủi ro đau lòng. Trong khi đó, môi trường sống xung quanh trẻ em có nhiều sông ngòi, ao, hồ chằng chịt nhưng không có rào chắn, hay biển báo nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, mỗi khi mùa hè đến thì nỗi lo đuối nước đã trở nên ám ảnh với nhiều bậc phụ huynh.

Tạo môi trường an toàn đáp ứng nhu cầu bơi lội của trẻ em.

Đặt ra câu hỏi cho toàn xã hội lúc này là làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước? Chắc chắn cần có sự vào cuộc, quan tâm đúng mức của gia đình, nhà trường và xã hội.

Kể từ năm 2019, phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đã trở thành Cuộc vận động “Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước” với mục đích nhằm thay đổi nhận thức của người lớn và cộng đồng, từ đó tạo nên tác động tích cực đối với các em nhỏ về việc phòng, chống đuối nước. Sẽ không chỉ đơn thuần đưa ra những thông điệp cảnh báo hiểm nguy mà cần phải tạo ra những môi trường an toàn cho nhu cầu bơi lội của con trẻ.

Có mặt tại công viên nước Lâm Thao (Phú Thọ), một trong các địa điểm có các lớp học bơi cho mọi lứa tuổi, chúng tôi nhận thấy có khá đông các em nhỏ theo học. Chị Trần Thị Oanh, ở thị trấn Lâm Thao, mẹ của hai cháu nhỏ đang học bơi, cho biết: Nghe các thông tin về trẻ em bị đuối nước, tôi rất lo sợ, vì vậy tôi đã đăng ký cho con tham gia lớp học bơi tại đây. Cũng là cách để cho các con rèn luyện sức khỏe và có những hoạt động bổ ích trong mùa hè. Ở nhà, tôi phải thường xuyên dặn dò các cháu không được tự ý đi tắm ở các ao, hồ, sông để phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Huấn luyện viên Nguyễn Văn Dũng công viên nước Lâm Thao chia sẻ: Bơi tại các bể bơi khác với bơi tại ao, hồ, sông, suối vì có rất nhiều xoáy nước, cát lún. Trong quá trình dạy các em biết bơi chúng tôi cũng sẽ trang bị thêm kiến thức để các em biết cách ứng phó nếu bị đuối nước hoặc gặp người bị đuối nước.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu bơi lội của trẻ một cách an toàn. Vì vậy, những người làm cha làm mẹ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc bảo vệ, giám sát trẻ nhỏ. Đồng thời các cơ quan chức năng và báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, việc dạy trẻ biết bơi và quan trọng nhất là trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước. Các nhà trường cần quan tâm chỉ đạo giáo viên tiếp tục duy trì việc mỗi ngày dành từ 3 đến 5 phút ở các tiết học cuối, trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo các em tuyệt đối không được chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hồ công trình… Những việc làm thiết thực này sẽ giúp các em nhận thức được các mối nguy hiểm rình rập từ môi trường nước để tránh xa các khu vực này. Đồng thời cần trang bị cho các em có kỹ năng xử lý khi bản thân hoặc bạn bè rơi vào tình huống nguy hiểm ở môi trường nước.

Với những giải pháp và nỗ lực tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội, hi vọng vào những mùa hè tiếp theo sẽ không còn phải nghe những thông tin đau lòng về đuối nước ở trẻ em.

Bài, ảnh: VŨ HOÀNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.