Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 09:25:12

Dũng sỹ diệt xe tăng trên đường số 7

Ngày đăng: 04/05/2016

QK2 – Chúng tôi gặp Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), thương binh hạng 2/4 Nguyễn Vi Hợi, trú tại Khu 1, Phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 2 vào một ngày cuối tháng Tư lịch sử. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn được tìm hiểu về những chiến công xuất sắc của ông trong trận Cheo Reo-Phú Bổn giữa tháng 3 năm 1975, giọng người anh hùng bỗng trở nên sôi nổi: “Trận chiến ấy xảy ra hơn 40 năm, nhưng với mình nó như vừa hôm qua vậy. Mình nhớ đến từng chi tiết cậu ạ”.

Trở về với đời thường, Đại tá, Anh hùng LLVTND, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Vi Hợi (thứ 2, bên trái) luôn sống có ích cho gia đình và xã hội.

Trở về với đời thường, Đại tá, Anh hùng LLVTND, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Vi Hợi (thứ 2, bên trái) luôn sống có ích cho gia đình và xã hội.

Vừa lật giở cho tôi xem những tấm ảnh tư liệu liên quan đến trận đánh, Anh hùng Nguyễn Vi Hợi vừa kể lại cuộc đối đầu của ông và đồng đội trên cầu Cây Sung (thị xã Cheo Reo) năm xưa. Theo đó, ngày 8-3, quân ta nổ súng đánh chiếm Đức Lập (huyện Đắc Mil, tỉnh Đắk Nông ngày nay). Ngày 10-3-1975, quân giải phóng tấn công dữ dội và làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, để 15 ngày sau đó, Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, khúc khải hoàn ca mở đầu cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thất bại nhanh chóng trên toàn tuyến Tây Nguyên, ngày 14-3-1975, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh toàn bộ binh lực, chủ yếu là Quân đoàn 2 Ngụy nhanh chóng rút khỏi Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng duyên hải, củng cố lực lượng, tìm cách phản công chiếm lại Tây Nguyên. Và con đường duy nhất để chúng có thể về được đồng bằng duyên hải là đường 7 qua Cheo Reo (nay thuộc thị xã Ayn Pa, tỉnh Gia Lai).
Nhận lệnh khẩn cấp từ trên, Trung đoàn bộ binh 64, Sư đoàn Đồng Bằng 320 nhanh chóng cơ động tiếp cận toàn bộ thung lũng Cheo Reo, Phú Bổn để chặn đường rút chạy của địch từ các ngả đường Tây Nguyên về đây; nhằm chia cắt đội hình, tiêu hao sinh lực địch, quyết không cho địch thực hiện âm mưu về co cụm ở đồng bằng duyên hải. Đêm 17-3, Binh nhất Nguyễn Vi Hợi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 7, thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 được lệnh đưa tiểu đội ém quân tại khu vực đầu cầu Cây Sung, (thị xã Cheo Reo) nhằm ngăn chặn quân địch rút chạy qua cầu. Sau khi nhận lệnh từ cấp trên, Nguyễn Vi Hợi chỉ huy tiểu đội nhanh chóng hành quân gần 10 cây số qua nhiều đoạn đường hiểm trở trong tình trạng hỏa tốc, quyết tâm có mặt ở Cheo Reo trong thời gian sớm nhất. Cho đến rạng sáng 18-3-1975, quân địch đã tập trung rất đông tại thị xã Cheo Reo. Tuy nhiên, chúng không biết được rằng, quân giải phóng đang khép chặt vòng vây Cheo Reo, số phận của chúng đã như cá nằm trên thớt.
Đúng 11h trưa ngày 18-3-1975, pháo binh ta từ các hướng được lệnh khai hỏa vào trung tâm Cheo Reo, đạn réo ầm ầm đánh trúng các mục tiêu quân sự của địch, nhiều xe bốc cháy, chúng cầm cự yếu ớt, rồi hốt hoảng tháo chạy như ong vỡ tổ. 18h30′, quân ta đã đánh tan liên đoàn biệt động 28 của địch, hoàn toàn làm chủ sân bay. Trong khung cảnh hỗn loạn ở trung tâm thị xã Cheo Reo, quân địch vẫn ngoan cố chống cự quyết liệt, đồng thời tìm mọi cách chạy thoát ra đường 7 để về Tuy Hòa (Phú Yên).
Tại cầu Cây Sung trên đường 7, chúng ta đã bố trí nhiều ngả chốt chặn, trong đó có tiểu đội của Nguyễn Vi Hợi. Khi trời bắt đầu nhá nhem tối, quân địch bắt đầu tháo chạy từ Cheo Reo qua cầu Cây Sung nhằm thoát xuống Tuy Hòa (Phú Yên). Đợi cho đội hình của địch ổn định và bắt đầu bò lên cầu, quân ta từ các hướng bắt đầu nhả đạn. Tại vị trí chốt chặn gần nhất, tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi bắn liền hai quả B40 làm một chiếc chạy gần sau cùng đứng khựng lại, bốc khói đen sì. Quyết không để chúng vượt qua cầu, trong đầu người tiểu đội trưởng quả cảm chợt lóe lên một suy nghĩ “Phải tiêu diệt chiếc xe dẫn đầu”. Ngay lập tức, cậu nhảy lên khỏi thông hào, nhằm thẳng chiếc xe tăng đen trũi đang dẫn đầu đội hình mà siết cò. Trong tích tắc, chiếc xe tăng bốc cháy dữ dội, khiến toàn bộ đội hình xe quân sự của chúng bị dồn ứ, không thể vượt lên, trong khi hỏa lực của bộ đội ta từ các hướng vẫn bắn chùm lên đội hình địch. Trong không khí hỗn loạn, nhiều binh lính địch đã bỏ cả xe, chạy ào qua suối tìm cách thoát thân, tên bị thương, bị chết nằm la liệt cả một đoạn quốc lộ dài hàng cây số. Đường số 7 được xem là “vùng đất chết”, nơi đặt dấu chấm hết cho toàn bộ Quân đoàn 2 Ngụy tại chiến trường Tây Nguyên. Đến 12 giờ ngày 19-3-1975, Sư đoàn bộ binh 320 của ta đã làm chủ chiến trường, giải phóng hoàn toàn Phú Bổn (nay là huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Trong trận đánh này, tiểu đội của Nguyễn Vi Hợi đã tiêu diệt hơn 20 xe, máy các loại, riêng Tiểu đội trưởng Nguyễn Vi Hợi đã bắn cháy 7 chiếc xe tăng, xe bọc thép của địch, góp phần vào chiến thắng chung của đơn vị. Ít ngày sau trận Cheo Reo-Phú Bổn, Nguyễn Vi Hợi còn trực tiếp tham gia bắt sống Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá chỉ huy cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 Ngụy trên đường 7. Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, đầu năm 1976, chiến sỹ Nguyễn Vi Hợi được tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Trở về với đời thường, niềm vui lớn nhất của Anh hùng Nguyễn Vi Hợi là mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, ông lại được các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mời nói chuyện truyền thống với các cháu học sinh, sinh viên, góp phần “truyền lửa” nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào cho các cháu về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Đặc biệt, với khả năng chữa bệnh bằng thuốc nam, ông đã giúp không ít người dân trên địa bàn qua khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, được nhiều người quý trọng.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.