Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 09:48:24

Đồng Ruộng nay khác rồi!

Ngày đăng: 02/10/2020

Năm 2010, khi Trấn Yên bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mọi thứ còn rất mới mẻ, xa lạ. Đặc biệt, với thôn người Mông như Đồng Ruộng ở xã Kiên Thành càng lạ lẫm. Vậy mà hôm nay đói nghèo được đẩy lùi, Đồng Ruộng đã bừng sáng, là một thôn nông thôn mới…

Có điện lưới quốc gia, người dân Đồng Ruộng đã phát triển nghề thêu.

Có điện lưới quốc gia, người dân Đồng Ruộng đã phát triển nghề thêu.

 

Năm 1987, một số hộ đồng bào Mông ở xã Suối Giàng (Văn Chấn) di cư về xã Mỏ Vàng (Văn Yên) rồi tiếp tục về Đồng Ruộng định cư. Những ngày đầu, chỉ có 3 hộ gia đình người Mông là Giàng A Nhà, Giàng A Vư, Giàng A Chư. 

 

Năm 1994, thôn Đồng Ruộng được thành lập với 27 hộ dân, trong đó có 3 hộ người dân tộc Tày, còn lại là người Mông (vì định cư biệt lập nên mọi người vẫn thường gọi là bản Đồng Ruộng). 

 

Thời điểm đó, khu vực này còn hoang sơ, một vùng thung lũng lau sậy mọc um tùm, bao quanh là núi cao, thú rừng nhiều vô kể, có cả hổ báo về bắt lợn, gà của dân. 

 

Ông Hoàng Văn Láng – Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ruộng chia sẻ: "Những ngày đầu, cuộc sống quen dựa vào tự nhiên nên đời sống của người Mông ở đây khó khăn lắm. Phát một vạt nương, gieo vài cân ngô, ném vài nắm lúa và vào rừng săn bắt, thế nên nhà ở tạm bợ, cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm. Nhiều hộ thiếu ăn đến vài tháng, phải lên rừng kiếm măng, củ mài, củ nâu. Đói ăn, thiếu chất dẫn đến bệnh tật, ốm yếu. Chỉ chục năm về trước tỷ lệ hộ đói nghèo của thôn chiếm tới gần 70%…”. 

 

Kết cấu hạ tầng yếu kém, từ trung tâm xã Kiên Thành vào Đồng Ruộng phải đánh vật với con đường độc đạo dốc đá gần chục km, sau mỗi trận mưa, đường trở nên trơn trượt, sình lầy. Cuộc sống biệt lập của các hộ dân nơi đây quanh năm không điện, không trạm y tế, không sóng điện thoại…

 

Đồng Ruộng nay khác rồi! Chúng tôi đến Đồng Ruộng những ngày giữa tháng 8 và đã cảm nhận rõ sự đổi thay ở đây. Buổi sáng, đang giữa vụ thu hoạch măng tre Bát độ nên hầu hết người lớn lên rừng. Đến trưa, các hộ dân tấp nập chở măng bằng xe máy về bán cho cơ sở thu mua và sơ chế măng ở trung tâm thôn. 

 

Cây tre măng Bát độ "bén duyên” với người dân từ năm 2003. Ban đầu, còn nhiều xa lạ và có cả nghi ngờ về hiệu quả kinh tế, mỗi hộ dân chỉ trồng vài bụi tre để sử dụng trong gia đình. Lúc đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến giúp bà con vận chuyển củ giống, trồng tre, chăm sóc… 

 

Đến nay, cả thôn đã trồng được hơn 120 ha, hộ nhiều thì có 3 – 4 ha, hộ ít cũng có 1 ha. Măng tre Bát độ đã đem về cho người dân ở đây nguồn thu rất khá, có hộ thu từ 100 – 200 triệu đồng/năm, có hộ thu từ 300 – 400 triệu đồng/năm. 

 

Anh Giàng A Sáu – Trưởng thôn Đồng Ruộng cho biết: "Cây tre Bát độ cho thu hoạch măng kéo dài trong cả mùa mưa, trồng một lần thu măng nhiều năm, năng suất và đầu ra ổn định, thích hợp với cách canh tác của bà con. 

 

Đầu ra rất ổn định với việc Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty cổ phần Yên Thành vào tận thôn thu mua, dân khai thác đến đâu, cân lên, trao tiền trực tiếp với giá dao động khoảng 4.000 đồng/kg măng tươi. Trung bình mỗi héc-ta, bà con thu được từ 30-40 triệu đồng…”. 

 

Ngoài cấy lúa, trồng tre măng Bát độ, người Mông ở Đồng Ruộng còn học người Dao, người Tày trong xã trồng cây quế. Đến nay, cả thôn đã có hơn 70 ha quế, đây là loại cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

Ông Dương Kim Hưng – Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: "Nhờ những thay đổi về nhận thức trong phát triển kinh tế, đến nay thôn không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người trong thôn hơn 33 triệu đồng/năm, theo rà soát sơ bộ thì trong thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, dự kiến đến hết năm nay sẽ không còn hộ nghèo”. 

 

Mong ước bao đời của người dân Đồng Ruộng là có điện thắp sáng, điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất đã được toại nguyện khi cuối năm 2018, công trình điện lưới quốc gia hoàn thành đã đưa ánh sáng điện về với bà con… Ti vi, tủ lạnh, đầu thu tín hiệu vệ tinh, nồi cơm điện, máy xay sát gạo… đã được bà con dân bản mua sắm và học cách sử dụng. 

 

Đến đầu năm 2019, hệ thống mạng viễn thông của VNPT Yên Bái đã cung cấp dịch vụ Internet và di động, người dân có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau ở mọi miền quê thông qua điện thoại di động. Đặc biệt hơn, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tuyến đường hơn 7 km từ trung tâm xã đến thôn và một số tuyến đường nội thôn đã được kiến cố hóa bê tông, các đoạn qua suối được xây dựng cầu kiên cố đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, thuận tiện trong giao lưu trao đổi hàng hóa.

 

Với những bước tiến vượt bậc, tháng 9/2019, thôn Đồng Ruộng đã được UBND huyện Trấn Yên công nhận là thôn đầu tiên của xã Kiên Thành đạt chuẩn NTM. Đói nghèo được đẩy lùi, cuộc sống ở Đồng Ruộng bừng sáng lên nhờ điện, đường, tre, quế. 

 

Xây dựng NTM không phải là đích đến để hoàn thành rồi sẽ dừng lại, người dân đang tiếp tục đồng lòng, chung sức thi đua phát triển sản xuất, đóng góp công, của xây dựng quê hương, phấn đấu đưa Đồng Ruộng trở thành thôn NTM nâng cao vào năm 2022.

(Theo Báo Yên Bái)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.