Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 12:58:25

Đổi mới để “mềm hóa” giáo dục

Ngày đăng: 01/10/2018

Nhận thức rõ vai trò to lớn của công tác giáo dục chính trị (GDCT), cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trên địa bàn Quân khu thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, mang lại hiệu quả vững chắc. Qua 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, các cơ quan, đơn vị  tập trung đổi mới chương trình, nội dung biên soạn tài liệu và hình thức, phương pháp tiến hành giáo dục chính trị.

Các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng đổi mới hình thức giáo dục chính trị.

5 năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” chặt chẽ, nghiêm túc, đúng mục đích, yêu cầu đề ra, sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Cục Chính trị Quân khu xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ lộ trình, giai đoạn cụ thể, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDCT tại đơn vị. Các cơ quan, đơn vị chủ động cụ thể hóa và xây dựng kế hoạch ở từng cấp sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ; vai trò, trách nhiệm của người chỉ huy các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chặt chẽ, thống nhất. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mô hình điểm, điển hình tiến tiến. 
Hiệu quả từ trong thực tiễn đã cho thấy, đổi mới, nâng cao chất lượng GDCT tại các cơ quan, đơn vị theo hướng cơ bản, hệ thống, thống nhất, thiết thực, có kế thừa và phát triển, vận dụng sát thực tiễn đơn vị; bảo đảm khối lượng kiến thức đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ. 
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác GDCT của đơn vị mình, Thượng tá Trần Đại Thắng, Chính ủy Sư đoàn 316 khẳng định: Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cụ thể hóa chỉ tiêu, chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác GDCT trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ, năm, quý và Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện của cấp ủy các cấp, phân công cấp ủy viên phụ trách. Về đổi mới chương trình, nội dung học tập chính trị, trên cơ sở tài liệu giáo dục chính trị do Tổng cục Chính trị ban hành, đơn vị xây dựng đề cương bài giảng chính trị rút gọn, bộ bài giảng điện tử, thống nhất đề cương thảo luận chính trị, coi trọng định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho người học. Trong giáo dục truyền thống, pháp luật, kỷ luật, đơn vị đã biên soạn và phát hành các tài liệu: Một số kinh nghiệm quản lý và xử lý kỷ luật thường gặp ở cấp phân đội; Một số kinh nghiệm quản lý tư tưởng bộ đội ở đơn vị cơ sở; Sổ tay quân nhân; Hồ sơ thông tin chiến sĩ… Xây dựng, ban hành đĩa phim: Lịch sử truyền thống Sư đoàn 316; Sáng mãi những tấm gương tuổi trẻ Sư đoàn 316 anh hùng… từ đó nâng cao chất lượng công tác GDCT, quản lý tư tưởng bộ đội.
Cùng với việc đổi mới chương trình, nội dung tài liệu giáo dục chính trị, các cơ quan, đơn vị cũng đặc biệt coi trọng đến hình thức, phương pháp. Trong giảng dạy đã kết hợp nhiều phương pháp, cả truyền thống lẫn hiện đại, từng bước đưa máy trình chiếu vào phục vụ bài giảng chính trị cho các đối tượng; đồng thời coi trọng sử dụng các phương pháp đàm thoại, trực quan trong GDCT; kết hợp giữa truyền thụ kiến thức với trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tham quan học tập truyền thống tại bảo tàng, khu di tích lịch sử… Mặt khác, các đơn vị tích cực, chủ động đổi mới trong học tập chính trị bằng cách phân công phụ trách giảng dạy chính trị theo nhóm đối tượng và xoay vòng giữa các đơn vị để bảo đảm có tính chuyên sâu theo từng nội dung và tránh nhàm chán cho người học…
Với nhiều đối tượng học tập, công tác tại đơn vị, Trường Quân sự Quân khu đặc biệt quan tâm, chú trọng đổi mới phương pháp GDCT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại tá Phạm Văn Hảo, Chính ủy Trường Quân sự Quân khu cho biết: Các nội dung GDCT thường “khô”, “khó”. Để “mềm hóa”, Nhà trường tập trung đổi mới, trong đó coi trọng quan tâm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV); tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và các kết quả nghiên cứu KHXH&NV vào thực tiễn giảng dạy. Đội ngũ làm công tác giảng dạy KHXH&NV được quan tâm củng cố, kiện toàn; được cử đi đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường, đi thực tế ở các đơn vị để nâng cao trình độ học vấn cũng như hiểu biết thực tiễn hoạt động của bộ đội. Cùng với đó, Nhà trường thực hiện có nền nếp chế độ tập huấn, bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ tuyên huấn, nhằm nâng cao năng lực thực hành giáo dục chính trị theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Đổi mới chương trình, nội dung biên soạn tài liệu, hình thức, phương pháp GDCT đã và đang phát huy tác dụng thiết thực đối với việc xây dựng đơn vị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Bằng sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đa dạng trong tổ chức thực hiện, các đơn vị đã có nhiều cách làm phù hợp góp phần nâng cao chất lượng GDCT ở đơn vị cơ sở.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC TRÍ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.