Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 03:06:40

Độc đáo tục cưới hỏi của dân tộc Mảng

Ngày đăng: 16/11/2020

QK2 – Vùng đất Tây Bắc với rất nhiều những điều thú vị, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có. Mỗi một địa danh, vùng đất luôn để lại ấn tượng không thể phai mờ cho bất cứ ai đã từng đặt chân đến nơi đây. Một trong những dấu ấn rất riêng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đó là tục cưới hỏi của người Mảng. Người Mảng là dân tộc ít người cư trú chủ yếu ở các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Mường Lay tỉnh Lai Châu. Người dân nơi đây thường chọn ngày cưới vào thời điểm mùa màng đã thu hoạch xong và luôn phải chọn những ngày đẹp, từ khoảng tháng mười âm lịch năm trước đến tháng ba âm lịch của năm sau.

Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái.

Vào ngày cưới nhà trai mang theo những lễ vật tới nhà gái gồm: Bạc trắng 20 đồng, 200kg lợn, gà từ 9-11 con, rượu cần 1 chum, gạo nếp 20kg và nhiều sạp vải…, thứ lễ vật không thể thiếu đó là hai bó thịt sóc, hoặc thịt chuột rừng đã sấy khô, với khoảng 30 con sóc, chuột trở lên. Mỗi bó sẽ được buộc lại bằng sợi chỉ đỏ và đen kết hợp lại với nhau. Trong đó sợi chỉ đỏ tượng trưng cho người con trai, và sợi chỉ đen tượng trưng cho người con gái. Trước khi ăn uống, đoàn người nhà trai gồm ông mối, chú rể và đại diện nhà trai đến quỳ lạy trước ông bà, bố mẹ của cô dâu để cảm tạ họ đã sinh ra người con gái đẹp người đẹp nết, sau đó trước sự chứng kiến của bà con đến dự lễ cưới bên nhà trai tiếp tục quỳ lạy mọi người để cảm tạ rồi xin đón dâu mới về nhà chồng. Sau khi tổ chức đám cưới tại nhà gái xong, trước khi đưa cô dâu ra khỏi nhà, đại diện nhà gái sẽ tìm mọi cách để bôi nhọ lên mặt, hất nước và trát bùn lên người ông mối và đoàn người đón dâu. Người Mảng quan niệm đưa dâu ra khỏi nhà là phải đánh dấu, để ông trời không nhìn thấy mà ngăn cản. Vì vậy, bôi được càng nhiều nhọ lên mặt, trát càng được nhiều bùn đất lên người đi đưa đón dâu càng tốt. Trong buổi chiều ngày cưới thứ hai. Mẹ chồng và các cô, dì sẽ cùng 3 nam và hai nữ đi đón đoàn người đưa dâu ở dọc đường để tiếp tục tổ chức đám cưới tại nhà mình.

Của hồi môn của người con gái dân tộc Mảng mang theo về nhà chồng gồm: 1 cái bem được đan bằng song mây để đựng quần áo, vải vóc kim chỉ, cùng dao, cuốc, xoong nồi là những vận dụng mà bố mẹ cô dâu đã tặng, những mong người con gái khi xây dựng gia đình, biết thu vén và có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngoài ra, bố mẹ cô dâu còn cho một đôi gà trống mái để làm giống, với ý cuộc sống của đôi trẻ sẽ hạnh phúc sinh sôi.

Khi vào nhà, cô dâu sẽ được mẹ chồng dắt ngay vào buồng, đến giờ ăn cô dâu cũng ra cùng nấu nướng, bày biện. Đến bữa ăn đôi vợ chồng trẻ phải tự nấu ăn riêng, vì đồng bào quan niệm chỉ dính một chút thức ăn của khách thì sau này sinh con cái sẽ khó nuôi, làm ăn không thuận lợi. Khách đến dự, tùy vào hoàn cảnh mà mang theo tặng phẩm đến tặng cho đôi bạn trẻ trong ngày cưới. Sau khi ăn uống xong mọi người cùng hát đối đáp, với mong muốn hai họ bỏ qua những thiếu sót và hát những bài hát răn dạy, mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Màn hát vừa dứt, cũng là lúc nghi lễ tổ chức đám cưới đến đây được coi như đã xong.

Tục cưới hỏi của người Mảng xưa kia diễn ra 4 ngày 4 đêm tại hai nhà trai và nhà gái. Nhưng ngày nay thực hiện nếp sống văn hóa mới, bà con chỉ còn tổ chức 2 ngày 2 đêm. Theo thời gian, nét đẹp văn hóa trong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu vẫn được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

NGỌC LINH (Tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.