Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 02:29:11

Điểm tựa vững chắc của lòng dân biên giới

Ngày đăng: 14/09/2020

QK2 – LTS: Đoàn KT-QP 313 đứng chân trên địa bàn 13 xã các huyện biên giới Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Nhiều năm trở lại đây, nhiệm vụ của Đoàn gắn liền với các chương trình phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn. Phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 313 về nội dung này.

PV: Thời gian gần đây, Đoàn KT-QP 313 đã thực hiện có hiệu quả một số mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đề nghị đồng chí cho biết cụ thể những  mô hình đó như thế nào?

Đại tá Nguyễn Mạnh Hà: Đoàn chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và Vị Xuyên. Trên địa bàn ba huyện này, đơn vị đảm nhiệm 13 xã biên giới, trong đó có 86 thôn bản sát biên, hầu hết điều kiện kinh tế xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ đội và TTTTN Đoàn KT-QP 313 giúp nhân dân làm đường nông thôn mới.

Trong những năm qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ của Đoàn về phát triển kinh tế xã hội, thực hiện công tác dân vận quần chúng, chúng tôi đã cụ thể hóa thành nghị quyết lãnh đạo hàng năm của Đảng ủy, trên cơ sở đó xây dựng thành chương trình hành động cũng như kế hoạch của từng quý, từng năm. Trong những nội dung đó, tập trung phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt quan tâm thực hiện các nội dung về giảm nghèo bền vững, các chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai một cách đồng bộ. Triển khai các chương trình đó, trước mắt trên cơ sở sự hỗ trợ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông qua Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, hướng dẫn, đầu tư các mô hình dự án.

Trên địa bàn 13 xã, chúng tôi đã triển khai một số mô hình trọng điểm như: Chăn nuôi trâu, bò sinh sản; trâu bò hàng hóa; chăn nuôi dê; lợn đen bản địa; mô hình cá thương phẩm và một số loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn. Trong quá trình tổ chức triển khai, với tinh thần trách nhiệm của các đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị cũng như sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, chỉ huy đoàn, các mô hình này đã được triển khai rộng khắp ở các hộ gia đình trên địa bàn.

Hằng năm, với số kinh phí được trên đầu tư, đơn vị triển khai rất chặt chẽ, được cấp ủy chính quyền địa phương, đơn vị phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhân dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nhân dân đánh giá rất cao về hiệu quả, trước mắt đã phần nào giảm được khó khăn cho cuộc sống người dân, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung.

PV: Để có được kết quả như vậy, Đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện như thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Mạnh Hà: Khi được trên triển khai về nguồn vốn hỗ trợ cho các chương trình dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn xác định các chủ trương, biện pháp thực hiện. Chỉ huy Đoàn phân công cán bộ phụ trách xuống cơ sở, các đội sản xuất bám nắm, chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương khảo sát xác định đến từng hộ; hộ nào khó khăn, thuận lợi đều được khảo sát rất chi tiết, sau đó cùng cấp ủy, chính quyền địa phương họp thôn, bản; xác định các hộ để đầu tư.

Sau khi có kết quả khảo sát, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thôn, bản phát huy vai trò trách nhiệm bí thư chi bộ, trưởng thôn bản để triển khai, quán triệt, phổ biến cho người dân thực hiện. Từng hộ gia đình làm đơn có xác nhận của thôn, bản, của xã đề nghị được tham gia các chương trình. Khi đã thống nhất, đơn vị tích cực chuẩn bị, hướng dẫn các yếu tố, các nội dung có liên quan như giống, cây, con, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cây con, phân rõ thời điểm, thời gian thực hiện chương trình dự án. Từ các mô hình, đơn vị lại phối hợp với địa phương phổ biến, nhân rộng, tạo phong trào sản xuất cho người dân ở các thôn, bản.

Cán bộ, nhân viên, trí thực trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 313 thường xuyên làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân.

Thông qua thực hiện các chương trình, chúng tôi nhận thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc rất tâm huyết, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị cũng như ban quản lý dự án của đơn vị, triển khai một cách kịp thời, đồng bộ xuống tất cả các địa bàn. Nhìn chung các dự án gắn trực tiếp với đời sống của người dân, vì vậy người dân rất phấn khởi, tin tưởng, gắn bó với địa bàn, với bộ đội.

PV: Trong thời gian tới, Đoàn tiếp tục triển khai những mô hình nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Mạnh Hà: Về định hướng và sự phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, trên cơ sở khả năng bảo đảm của cấp trên, chúng tôi vẫn xác định các mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng và tập quán canh tác, tập tục của người dân, những cái gì thuộc về bản địa mà thuận lợi, phù hợp, chúng tôi vẫn xác định và định hướng ưu tiên triển khai. Trước mắt trong năm 2020 này, chúng tôi đã hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ báo cáo trên các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, xác định đầu tư trọng điểm vào 2 đến 3 xã để triển khai. Các mô hình được ưu tiên là mô hình chăn nuôi dê sinh sản; dê thương phẩm; chăn nuôi lợn đen và chăn nuôi trâu bò.

Từ đầu năm, chúng tôi cũng đã triển khai từng bước anh em vừa thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình, vừa phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để rà soát trước một bước. Sau khi có thông báo chính thức từ nguồn vốn và sự chỉ đạo của trên, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai một cách kịp thời nhất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân. Tôi nghĩ rằng, những mô hình giúp dân phát triển kinh tế ấy càng hiệu quả, càng khẳng định vị trí, vai trò của bộ đội, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương là chỗ dựa trách nhiệm, tin cậy của nhân dân, của lòng dân biên giới.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại tá Nguyễn Mạnh Hà.

VIỆT LONG (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.