Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 01:04:30

Điểm tựa của lòng dân

Ngày đăng: 29/01/2019

QK2 – Đối với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379, năm 2019 này ghi dấu mốc hai thập kỷ gắn bó với đồng bào khu vực biên giới cực Tây của Tổ quốc. Hai chục năm ấy, không chỉ hoàn thành xuất sắc sắc nhiệm vụ quân sự – quốc phòng, Đoàn KT-QP 379 còn góp phần không nhỏ trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, triển khai các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân ở gần 40 xã vùng biên giới cực Tây Tổ quốc từng bước được cải thiện. Không còn bản làng nào, cánh rừng nào, chẳng có con dốc, nguồn suối nào còn vắng dấu chân của cán bộ, chiến sĩ. 

KÝ ỨC “BA CHÀ”

Hai mươi mùa xuân trước, mùa Xuân Kỷ Mão 1999, khi những cánh hoa ban trắng rừng Tây Bắc chưa kịp tàn, đã có những cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 tiền trạm lên khu “Ba Chà” đầy rẫy những khó khăn. Vị trí đứng chân ban đầu của đoàn bộ tại huyện Mường Chà, Điện Biên (khi đó là tỉnh Lai Châu cũ), bắt đầu đặt nền móng cho nhiệm vụ xây dựng các dự án kinh tế – quốc phòng trên địa bàn rộng hơn 2.300 cây số vuông giáp biên giới.
Trong quy hoạch, khu kinh tế – quốc phòng Mường Chà gồm các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và một phần của Mường Tè (Lai Châu). “Ba Chà” là tên gọi tắt của các xã Chà Cang – Chà Tở – Chà Nưa, vốn là ba xã thuộc huyện Mường Lay. Khi thành lập Mường Chà, Mường Lay được xóa bỏ, thay vào đó là huyện Nậm Pồ. Riêng địa bàn 15 xã thuộc huyện Nậm Pồ ngày nay thì có đến 13 xã thuộc xã Chà Cang xưa kia phân tách ra. 
Những cán bộ, chiến sĩ trong đội quân “tiên phong mở đất” khi ấy, nay còn lại thì cũng phát triển, trở thành cán bộ cao cấp. “Ba Chà” gian khó còn in đậm trong tâm trí cán bộ, chiến sĩ. Nơi đóng quân của Đoàn còn chưa chính thức có đường vào, mà chỉ là những lối mòn luồn theo khe núi, vực sâu, xuyên qua địa bàn các xã. Vốn từ thị xã Mường Lay cũ vào có đường ô tô đi, nhưng cũng chỉ vào đến km 45; còn từ km 45 đi bộ xuyên con đường mòn 40 cây số. Nhân dân cùng bộ đội chuyển hàng từ thị xã vào khu “Ba Chà”, tất cả là gùi, sang lắm thì có sức ngựa thồ. Đường mòn trải dài 40 cây số, mùa mưa trơn trượt, khó đi, mà mưa Tây Bắc nơi heo hút ấy kéo dài từ cuối tháng 4 đến hết tháng 9 hằng năm. Tuy thế, con đường mòn dài như sợi chỉ ấy là con đường giao thương huyết mạch, là con đường bảo đảm sinh sống của đồng bào các dân tộc trong vùng. 
Vì quá xa xôi hẻo lánh, khó khăn đi lại, điện thoại ra đến trung tâm huyện dùng máy bàn mới liên lạc được, báo chí, điện khẩn cả tháng mới đến nơi nên có những cán bộ, chiến sĩ khi có tin buồn từ gia đình, nhận được rồi trở về lo công việc thì cũng trôi qua cả tháng trời.

Đoàn KT-QP 379 luôn thực hiện tốt công tác vận động, giúp đỡ nhân dân.


 Còn bao nhiêu khó khăn khác mà trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ thời bấy giờ như lại thấy thương mình, thương đồng bào. Hầu hết các bản đều chưa có đảng viên; tỷ lệ hộ đói nghèo của các xã đều ở mức trên 92%. Cuộc sống nhiều không: Không đường, không trường, chợ cũng còn không nốt; trạm thì chỉ duy có một là Trạm Y tế Bản Nà Hỳ tách ra từ trạm thuộc xã Chà Cang. Nhà của đồng bào thì toàn tạm, lợp, thưng bằng tranh – tre – nứa – lá. Nếp ăn uống, sinh hoạt của người dân thì mang nặng tính du canh, du cư, chủ yếu từ nơi khác đến nên hầu như các nhà không trâu, bò, có gà lợn nhưng không chuồng trại; dùng gậy chọc lỗ tra hạt là chủ yếu. Người dân kiếm được gì ăn nấy; hàng hóa không lưu thông, có làm ra, có săn bắt cũng không bán được bởi từ các bản xã về trung tâm xã Nà Hỳ cũng mất cả ngày đường. Thông thường hàng tháng, người dân đến trung tâm chỉ vài ba bận để giao lưu hàng hóa, mùa mưa thì dứt hẳn. Vì thế, chuyện đứt bữa, thiếu gạo là thường xuyên. Muối mặn với đồng bào còn quý hơn vàng. 
Đã vậy, phong tục tập quán của người dân còn nhiều lạc hậu. Việc cưới xin kéo dài đến vài ba ngày. Người ốm thì mời thầy mo đến nương hoặc về cúng tại nhà. Người chết để lưu vài ngày, thậm chí để hàng tuần mới đem chôn. Theo “cái lý” của đồng bào, chết là về với Giàng nên không được khóc. Người chết cũng phải được ăn, được chia của. Vì thế mới có tục người chết đã vài ngày nằm đấy, người sống đi qua, cầm nhúm xôi chấm vào miệng, sau đó mới được ăn. Trong bản, trong dòng họ có người về với Giàng thì nhà nào có rượu, có thịt cầm đến để chia cho người chết.
Bộ đội 379 về, đến nhà chỉ có đàn ông trẻ và con trai nói tiếng Kinh, còn con gái hầu như không biết nói tiếng Kinh, có biết lõm bõm cũng không dám tiếp xúc vì e dè, vì… sợ! 

NÓI DÂN NGHE, LÀM DÂN THEO

Câu khẩu ngữ: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” cùng với những đặc điểm kể trên chưa thể nói hết những khó khăn của Đoàn KT-QP 379 những ngày mới mở đất cực Tây. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 phải động viên nhau xác định tư tưởng, trách nhiệm, quyết tâm cao để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức ban đầu. Vừa được sự hỗ trợ, giúp đỡ của trên, vừa phát huy nội lực, sức mạnh tập thể ổn định cuộc sống, để đủ điều kiện đứng chân ở vùng kinh tế – quốc phòng này. Những cơ sở vật chất đầu tiên như nhà ở của cán bộ, chiến sĩ Nông trường 1 của Đoàn được trên huy động trực thăng chở nhà lắp ghép vào dựng tạm. 
Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 379 xác định, nhiệm vụ cần kíp là phải nhanh chóng giúp nhân dân thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, sản xuất để ổn định đời sống. Nhưng làm thế nào để đến với đồng bào, đó là câu hỏi khó, không phải ngày một, ngày hai có câu trả lời. Được sự chỉ đạo của trên, sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh, huyện, cán bộ, chiến sĩ Đoàn đến với dân bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé mà thiết thực nhất. Từ việc tự nguyện học và hiểu ngôn ngữ của đồng bào để có thể giao lưu, trao đổi với đồng bào, đến việc trồng ngô, trồng lúa nước để đồng bào tin và làm theo. Đồng bào vốn chỉ quen với lối du canh, du cư nên khi bộ đội nhặt đá hộc dùng tre, nứa quây thành vườn tra ngô, trồng rau; đắp bờ be thành ruộng cấy lúa nước ngay dưới chân các bản thì họ ngạc nhiên lắm. Và đồng bào càng ngạc nhiên hơn bởi dưới bàn tay chăm sóc của bộ đội, bãi đất bỏ hoang bao đời nay lại hiện lên những sắc xanh mơn mởn của ngô, lúa, sắn, khoai, dong riềng… Vụ đầu tiên thu hoạch, ngoài phần dự trữ của đơn vị, bộ đội đã mang chia hết cho các hộ dân của các bản xung quanh. Vậy là từ đó, đồng bào bảo nhau học cách làm của “cái cán bộ” để tìm thấy “cái no” ngay từ những mảnh đất vốn hoang hóa.  
5 năm đầu tiên, Đoàn đã xây dựng được hàng chục công trình thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu nước cho hơn 400 ha lúa nước; cùng nhân dân xây dựng được 15 cầu treo dân sinh và trên 100 km đường giao thông nông thôn, đường liên bản… Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho trên 6.000 lượt hộ gia đình với hàng vạn nhân khẩu. 
Bộ đội Đoàn KT-QP 379 còn là lực lượng xung kích tham gia củng cố cơ sở chính trị, giữ gìn an ninh trật tự tại các xã thuộc những dự án kinh tế quốc phòng. Xưa kia, chính quyền các xã khó vươn tới các bản để nắm, quản lý, thì nay có các đội sản xuất của Đoàn hỗ trợ, tham mưu xây dựng, củng cố các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở, tạo nguồn phát triển đảng, khắc phục tình trạng “trắng đảng viên” ở trên 50 bản. Bằng cách làm “rà từng ngõ, gõ từng nhà”, cán bộ, chiến sĩ xuống các thôn, bản xa xôi thực hiện “4 cùng” với nhân dân qua đó vận động người dân không tin theo các loại “tà đạo”, không nghe theo kẻ xấu; tuyên truyền đồng bào dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, ma chay dài ngày… để từ đó vươn lên xây dựng đời sống văn hóa mới.

ĐIỂM TỰA VÙNG BIÊN GIỚI

Sau gần 20 năm gắn bó với dải đất biên cương cực Tây của Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 đã thực sự trở thành những người con của đồng bào các dân tộc nơi đây. Biết bao công sức, bao giọt mồ hôi và cả máu của các anh đã đổ xuống để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Đặc biệt, thời gian từ năm 2011 đến nay, thực hiện Cuộc vận động “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đoàn đã không ngừng nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác giúp các xã trên địa bàn phát triển kinh tế xã hội. Nhiều mô hình trồng lúa nước hai vụ, trồng ngô, trồng rau, trồng cây ăn quả, măng bát độ, xây chuồng trại nuôi trâu bò, dê; đào ao nuôi cá… đã được triển khai rộng rãi, trở thành phương thức cách tác chủ yếu của đồng bào. 
3 năm gần đây, Đoàn đã giúp dân xây dựng, làm mới 13 công trình thủy nông, thủy lợi phục vụ tưới tiêu nước cho khoảng 300 ha lúa nước 2 vụ; xây dựng 5 bệnh xá quân dân y kết hợp tại các xã biên giới khó khăn… Chỉ tính riêng tại huyện Mường Chà, mảnh đất đặc biệt khó khăn gắn liền cùng sự trưởng thành của Đoàn, nếu hai chục năm trước, tỷ lệ đói nghèo của huyện là trên 90%, tỷ lệ mù chữ trên 80%, thì đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn hơn 40%; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; đời sống của đồng bào các dân tộc đã tiến bộ vượt bậc. Người Mông cơ bản ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh. Đường, điện, trạm đã tỏa đến các bản. Thị tứ nào cũng có chợ giao thương. Nhiều nhà có ti vi, xe máy.  
Những năm gần đây, Đoàn KT-QP 379 đã cùng các lực lượng tuyên truyền, vận động nhân dân phá nhổ được gần 4 ha cây thuốc phiện; vận động và giúp đỡ hơn 3.000 học sinh bỏ học quay trở lại trường. Các đội công tác quần chúng, trí thức trẻ tình nguyện đã giúp dân xây 1.500 chuồng chăn nuôi gia súc bảo đảm vệ sinh; tham gia hơn 20 nghìn ngày công lao động giúp dân làm đường, khai khẩn đất hoang, mở mương dẫn nước… Không riêng gì các xã, bản vùng cao như Nậm Chim, Sân Bay của huyện Mường Chà mà những nơi xa xôi như Mường Toong, Huẩy Chạ của Mường Nhé hay các xã vùng sâu Si Pa Phìn, Nà Hỳ của huyện Nậm Pồ đều đang dần dần một diện mạo mới hứa hẹn cuộc sống ấm no.  Nhiều hộ trong xã từng theo lời xúi giục của kẻ xấu bỏ đi di dịch cư tự do, nay đã trở về cùng bộ đội dựng xây cuộc sống mới. Riêng năm 2017, tại 3 huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Đoàn đã cử trên 1.800 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống các thôn bản để tổ chức trên 350 buổi tuyên truyền, vận động cho hơn 20 nghìn lượt đồng bào, góp phần củng cố hệ thống cơ sở chính trị, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Có thể thấy, trên mọi lĩnh vực từ phát triển kinh tế đến xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào các dân tộc, tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Đó là điểm tựa của lòng dân nơi biên giới. 
Đại tá NGUYỄN VĂN HUÂN
Chính ủy Đoàn KT-QP 379

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.