Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 12:44:26

Điểm sáng công tác dân tộc, tôn giáo

Ngày đăng: 15/11/2022

QK2 – Trạm Tấu là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, có tổng diện tích tự nhiên gần 75 nghìn ha. Toàn huyện có 11 xã, 1 thị trấn, 54 thôn, tổ dân phố với dân số trên 35 nghìn người, gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với 79%; dân tộc Thái trên 13%, còn lại là các dân tộc khác, như: Kinh, Mường, Tày, Khơ Mú, Dao, Nùng, Giáy, Phù Lá, Hoa, Cao Lan… Hiện nay, toàn huyện có 3 tôn giáo chính là: Công giáo, đạo Tin lành và đạo Phật. Trong đó, đạo Công giáo có hơn 4.500 người; đạo Tin lành dưới 1 nghìn người.

Thiếu tướng Đinh Mạnh Phác, Phó Tư lệnh Quân khu cùng đoàn công tác khảo sát, nắm tình hình công tác DT, TG trên địa bàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái).

 

Với đặc điểm là huyện miền núi vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống; trình độ dân trí thấp, kinh tế – xã hội (KT-XH) kém phát triển, đường sá đi lại khó khăn, điều kiện đời sống của nhân dân còn nghèo nàn, lạc hậu… Bởi vậy, Trạm Tấu là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất đồng chính kiến luôn lợi dụng để tuyên truyền, chống phá; dụ dỗ, lôi kéo số ít đồng bào người dân tộc di dịch cư tự do tới một số tỉnh trên địa bàn Tây Bắc; đồng thời xúi giục, kích động đồng bào khiếu kiện, phản đối chính quyền trong việc tổ chức quy hoạch một số dự án phát triển KT-XH…, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai, hoàn thành các mục tiêu xây dựng, phát triển của địa phương.

Tuy nhiên, với tinh thần tích cực, chủ động nắm bắt tình hình và đồng hành cùng người dân; lấy người dân làm trung tâm, là động lực của sự phát triển để xác định ra những chủ trương, quyết sách hợp lý. Quán triệt quan điểm đó, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, ban, ngành đoàn thể địa phương đã đồng loạt triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH, ổn định đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bởi vậy, những năm qua, tình hình KT-XH của huyện Trạm Tấu có nhiều chuyển biến tích cực, ANCT, TTAT XH được bảo đảm; công tác xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới; đồng bào phấn khởi, đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia các PTTĐ yêu nước, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Các chức sắc, chức việc và đồng bào các DT, TG luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát KT-XH, giữ vững ANCT, TTATXH trên địa bàn.

Theo đồng chí Vũ Lê Chung Anh, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu: Để có được những kết quả trên, cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở đã quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác DT, TG trong tình hình mới; đặc biệt là Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, gắn với Đề án số 01 của Tỉnh ủy Yên Bái về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2025… Vì vậy, tất cả những mục tiêu, chương trình, dự án phát triển KT-XH và kế hoạch công tác DT, TG hằng năm của huyện đều xác định các chủ trương, biện pháp phù hợp với tình hình nhiệm vụ của địa phương, dựa trên tinh thần lấy người dân làm trung tâm, đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là đồng bào vùng DT, TG.

Tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, cấp ủy, chính quyền ở đây đã phát huy tốt vai trò của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở từng cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn huyện cùng vào cuộc; tham gia vận động quần chúng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Nhờ đó mà các vấn đề phức tạp nảy sinh trong nhân dân đã kịp thời được phát hiện, xử lý triệt để từ cơ sở. Phát huy vai trò cơ quan quân sự làm tham mưu, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các tôn giáo. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, huyện đã cử hơn 40 chức sắc, chức việc đạo Công giáo, đạo Tin lành đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN do tỉnh tổ chức. Đây được coi là lực lượng nòng cốt đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước tới mọi người dân. Vì vậy mà nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Trạm Tấu không xảy ra tình trạng đồng bào dân tộc di, dịch cư tự do. Việc chống tái trồng cây thuốc phiện và đấu tranh, phòng chống, tố giác các tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục lạc hậu trên địa bàn đã được đồng bào thực hiện tích cực, tự giác; góp phần giữ vững ANCT, TTATXH, tạo điều kiện để địa phương phát triển KT-XH, từng bước hiện thực hóa các chương trình, mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền ở từng cấp; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị là cơ sở để Trạm Tấu củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn; góp phần xây dựng, phát triển KT-XH, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những vướng mắc nảy sinh ngay tại cơ sở, không để bị động, bất ngờ, trở thành điểm nóng, phức tạp về ANCT trên địa bàn.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.