Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 08:42:44

Điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015

Ngày đăng: 23/03/2016

Luật bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 25/6/2015 tại kỳ họp thứ 9. Luật gồm 10 Chương với 98 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2015. Trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật bầu cử ĐBQH năm 2010 và Luật bầu cử ĐBHĐND năm 2003, đồng thời bổ sung những quy định phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015 có nhiều điểm mới so với Luật trước đây.
Tại Khoản 1, Điều 4 quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH, bầu cử ĐBHĐND các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung ĐBQH trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội (QH) thay vì Ủy ban Thường vụ QH như trước đây. Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử. Việc tăng thêm 10 ngày so với Luật trước đây nhằm tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị và tiến hành các trình tự bầu cử được thuận lợi hơn, nhất là đảm bảo các bước trong quy trình hiệp thương được tốt hơn.
Khoản 2 và 3, Điều 8 quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Uỷ ban thường vụ QH dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của QH, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Uỷ ban thường vụ QH dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ.
Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia do QH thành lập (trước đây, Hội đồng bầu cử ở Trung ương do Uỷ ban thường vụ QH thành lập) có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử ĐBHĐND các cấp.
Quyền bầu cử đối với một số đối tượng đặc biệt cũng được Luật quy định theo hướng dân chủ hơn. Theo Khoản 5, Điều 29 thì những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐBHĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Như vậy, theo Luật này chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐBHĐND.
Trên cơ sở các quy định về tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND được quy định trong Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương.
NGÔ VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.