Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:55:17

“Điểm hẹn” hòa bình

Ngày đăng: 11/03/2019

QK2 – Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra cuối tháng 2 là sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và trong nước. Việt Nam tự hào vì được giữ cương vị chủ nhà của cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ – Triều và không phải sự lựa chọn ngẫu nhiên mà là sự lựa chọn có tính toán, mang tính khách quan. Nhân sự kiện tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, có khoảng 3.000 nhà báo, trong đó phần lớn là báo chí quốc tế đến Việt Nam để đưa tin sự kiện, vượt trên con số của cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất diễn ra tại Singapore giữa năm trước.

Những nghệ nhân hát Xoan kế tục truyền thống cha ông.

Trong một thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 10 ngày cho công tác chuẩn bị một sự kiện ngoại giao quốc tế rất quan trọng, vì thế nhiều cơ quan chức năng, ban ngành, địa phương nỗ lực chuẩn bị tốt nhất, chu đáo nhất cho sự kiện diễn ra.

Vậy nhưng, đi ngược lại với không khí chuẩn bị tích cực, khẩn trương của các lực lượng trong nước cũng như dư luận quốc tế đánh giá thì các thế lực thù địch lại đang ra sức tìm mọi cách để phá hoại hình ảnh của Việt Nam. Thông qua mạng xã hội, chúng kêu gọi, kích động tụ tập biểu tình, gây rối làm mất an ninh trật tự trong quá trình diễn ra cuộc gặp; tiếp tục tung ra các luận điệu xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền của đất nước; bôi nhọ uy tín, danh dự của Đảng, của chế độ, của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, qua đó nuôi ảo tưởng mong muốn các nhà báo quốc tế “nắm bắt thực tế” để “tuyên truyền khách quan” tình hình đất nước theo mưu đồ của chúng. Chúng còn đưa ra luận điệu Việt Nam không có vai trò gì khi đăng cai tổ chức hội nghị này; xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quốc tế, phủ nhận vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân.

Phải nói rằng, đầu xuân mới Kỷ Hợi, sự kiện đăng cai tổ chức cuộc gặp gỡ thượng định Hoa Kỳ – Triều Tiên là một vinh dự lớn không phải quốc gia nào cũng có được. Sự kiện diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm Thủ đô Hà Nội của chúng ta được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (ngày 16-7-1999). Vào thời điểm đó, Hà Nội là thành phố duy nhất của khu vực Châu Á được đón nhận danh hiệu cao quý này. Đến nay, sau hai thập kỷ với nhiều bước phát triển mới, Hà Nội đã và đang phấn đấu không ngừng, tiếp tục xây dựng, phát triển để phát huy giá trị của danh hiệu này.

Năm 2018, thành phố Hà Nội lại được bình chọn xếp thứ 12 trong số 25 điểm đến tốt nhất thế giới về du lịch và được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là một trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”. Đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này là cơ hội để Hà Nội giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một thủ đô văn hiến, về người dân Việt Nam mến khách, yêu chuộng hòa bình và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển.

Còn mới đây, theo tạp chí Forbes của Mỹ, Việt Nam là một trong 14 điểm đến ấn tượng nhất năm 2019.

Dù chỉ có khoảng mươi ngày chuẩn bị cho hội nghị, song công tác tổ chức của Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với giới truyền thông quốc tế.  Báo chí các quốc gia đều ghi nhận sự hiếu khách, sự chu đáo trong chuẩn bị. Theo Báo phóng viên Paul Walker, Kênh truyền hình Seven Network (Australia), “Với việc được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần hai, Việt Nam rõ ràng đóng một  vai trò quan trọng. Các bạn đã chứng tỏ rằng Việt Nam có thể trở thành bạn và đối tác với tất cả các quốc gia. Chúng tôi đã tham gia nhiều sự kiện quốc tế, nhưng các đồng nghiệp Australia nói với tôi rằng đây là một trong những hội nghị được tổ chức tốt nhất, đặc biệt là trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông phục vụ quá trình tác nghiệp của giới truyền thông. Ngay tại Trung tâm báo chí quốc tế (IMC) của hội nghị, chúng tôi được Ban tổ chức bố trí đầy đủ những thiết bị để có thể truyền tin nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hà Nội là một thành phố tuyệt vời! Tôi có thể cảm nhận rõ rằng những ngày này, Thủ đô của các bạn bận rộn hơn nhưng cũng tràn đầy sức sống. Ước gì khi hội nghị kết thúc, chúng tôi có thể ở lại lâu hơn để dạo quanh Hà Nội và gặp gỡ, tìm hiểu về con người, văn hóa và nhất là những món ăn mà mọi người nhắc tới rất nhiều trong mấy ngày qua…”

Chuyên gia Akira Kawasaki (thành viên ICAN – Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân của Nhật Bản) cho rằng: “Việt Nam là nước luôn ủng hộ đàm phán Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân 2 năm trước và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước này. Đó là điều đáng ghi nhận và tôi trông đợi tiếp sau đây, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy những Hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp. Về công tác đảm bảo an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh lần này, tôi chỉ có thể nói là hoàn hảo. Tôi đã dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên ở       Singapore, có thể hình dung ra công tác tổ chức nặng nề và phức tạp nhường nào. Và ở Hội nghị lần này, chủ nhà Hà Nội – Việt Nam đã làm rất tốt và thật đáng kinh ngạc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi lên đường tới Việt Nam, đã từng kỳ vọng: “Tôi nghĩ, chúng tôi sẽ có 2 ngày rưỡi đầy thú vị ở Việt Nam”. Khi vừa đặt chân tới Việt Nam, ông đã cảm nhận: “Tôi vừa đến Việt Nam. Cảm ơn các bạn về sự chào đón tuyệt vời ở Hà Nội. Những đám đông thật nồng nhiệt, tràn đầy tình yêu”. Khi trở về, ông viết: “Xin gửi lời cảm ơn tới những “chủ nhà” hào phóng của chúng tôi ở Hà Nội tuần này. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam tuyệt vời.”.

Có lẽ, những cảm nhận ấy đến từ cộng đồng quốc tế ấy là khách quan, là điều để phủ nhận những sự xuyên tạc của một vài lực lượng phản động về thực tế tình hình đất nước và thêm một lần khẳng định, Việt Nam, Hà Nội, “điểm hẹn” của hòa bình quốc tế.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.