Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 05:24:55

“Địch vận” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 16/06/2019

QK2 – Trong bất cứ chiến dịch nào, công tác địch vận cũng vô cùng quan trọng, được Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy các chiến dịch quan tâm sâu sát. Cơ quan chính trị trong mọi điều kiện, hoàn cảnh luôn đẩy mạnh địch vận, tích cực kêu gọi đầu hàng, nhằm tránh những tổn thất cho cả hai phía.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận chiến quy mô lớn, có ý nghĩa quyết định tới cục diện chiến trường Đông Dương. Bằng quyết tâm “đánh chắc thắng” ta cũng đã xây dựng trận địa tấn công và bao vây, đối đầu với kế hoạch quân sự của Pháp. Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện để chiến đấu, ta cũng chuẩn bị rất nhiều nội dung truyền đơn, biểu ngữ để làm công tác địch vận.

Binh lính Pháp giơ tay đầu hàng sau thất bại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TL

Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến, ta đã đẩy mạnh công tác địch vận. Thắng lợi giòn giã, nhanh chóng tại Him Lam và Độc Lập đã khiến hàng ngũ địch sợ sệt lo lắng. Tại Bản Kéo, hàng ngũ binh lính địch nhốn nháo, ngay cả chỉ huy ở đây cũng trốn chui lủi trong hầm vì sợ đại bác của quân ta. Đa số lính ở đây là lính Thái đã giữ những tờ truyền đơn trong tay và muốn ra hàng bộ đội, chờ cơ hội là chạy trốn. Cùng lúc đó, tiếng loa của quân ta kêu gọi lính Thái hãy trở về mường bản, không theo Pháp, không dùng súng giết hại đồng bào. Nhiều truyền đơn được tán phát cả bên trong cứ điểm. Dưới chân đồn Bản Kéo xuất hiện một bức tranh lớn. Đập vào mắt mọi người là hình ảnh một đoàn lính Thái rời bỏ vị trí kèm theo dòng chữ: “Quay trở về với Tổ quốc, với đồng bào, các anh sẽ được đón tiếp tử tế”. Đến chiều ngày 16-3, vừa đói khát, vừa lo sợ bộ đội Việt Nam sắp đến, lính Tây, lính Thái bỏ đồn chạy toán loạn. Hàng binh Thái chạy về phía ta khá nhiều, cảm thấy sung sướng, may mắn vì được thoát khỏi sự đàn áp của lính Tây, quay trở về với quân đội mình. Như vậy, không cần tốn một viên đạn, ta đã giải quyết nhanh gọn cứ điểm này. 3 cụm cứ điểm quan trọng ở phía Bắc và Đông Bắc đã thông thoáng, mở sẵn cánh cửa để ta tiến sâu hơn vào trung tâm Mường Thanh.

Cứ như vậy trong suốt 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện biên Phủ ta đã làm rất tốt công tác địch vận, càng đánh mạnh càng phải khắc phục mọi khó khăn để phát triển địch vận. Không có giấy thì làm bằng lá, bằng tre, cắt chữ từ báo cũ; không in được thì viết tay, không có mực thì lấy nhọ nồi, phải khiến cho chúng không muốn nhìn cũng phải nhìn, không muốn đọc cũng phải đọc. Mỗi tờ truyền đơn, biểu ngữ được ví như mỗi viên đạn, nếu đặt đúng chỗ thì đem lại hiệu quả tốt làm giảm sút tinh thần chiến đấu của địch, ta đỡ tốn xương máu trong chiến đấu. Bên cạnh đó, ta còn chủ trương thả tù binh bị thương nặng sau mỗi trận đánh vào vị trí địch làm cho chúng thấy rõ chính sách nhân đạo của ta, cảm phục cử chỉ của ta do đó sẽ thấy chiến đấu chống ta là vô nghĩa.

Có thể thấy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã kết hợp binh – địch vận với tác chiến, đẩy mạnh công tác địch vận trong chiến đấu; đưa công tác binh – địch vận trở thành một trong ba mũi giáp công, góp phần không nhỏ đưa đến thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta.

DUY QUANG (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.