Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 01:18:55

Địa chỉ giáo dục truyền thống

Ngày đăng: 10/10/2018

QK2 – Ngày nay những vật dụng xưa, cũ một thuở của người dân Việt Nam đang dần bị mai một theo thời gian. Từ những trăn trở đó, ông Nguyễn Đăng Luận ở tổ 35, phường Minh Tân, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã dành nhiều thời gian, công sức, miệt mài sưu tầm những vật dụng xưa, cũ để lưu giữ lại nét đẹp văn hóa, truyền thống của dân tộc. Căn nhà của ông là nơi gặp gỡ thường xuyên của nhiều cựu chiến binh, các bạn trẻ và trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Đăng Luận (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu vật dụng sinh hoạt cho khách đến tham quan.

Rót chén trà thơm mời khách, ông Luận mở đầu câu chuyện giới thiệu với chúng tôi về những đồ vật mà ông lặn lội khắp các tỉnh miền núi phía Bắc sưu tầm nhiều năm qua. Tất cả đều được ông sắp xếp gọn gàng, trưng bày trong căn nhà sàn rộng chưa đầy 150m2. Ở đây chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chiếc cối giã gạo dùng sức nước của đồng bào dân tộc Tày; chiếc cối đá xay ngô của người Mông hay đôi Dậu dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà đồng bào vùng Tây Bắc vẫn thường hay sử dụng. Theo ông những đồ vật quen thuộc đó đã gắn bó với truyền thống văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng người dân Việt Nam. Nếu không giữ gìn, lưu giữ cẩn thận, sau này sẽ dần bị lãng quên theo thời gian và nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ bị mai một.

 Quả thật, khi đến đây chúng tôi thấy những đồ vật gắn bó với đời sống sinh hoạt của nhân dân như mâm đồng, ấm đồng, đài cassette chạy băng. Thậm chí những chiếc máy ảnh cổ, máy đánh chữ có từ những năm 1950, 1960 của thế kỷ trước cũng được xuất hiện. Cầm trên tay một chiếc quạt con cóc rất đẹp, ông Luận giới thiệu: “Chiếc quạt này gắn bó với tuổi thơ đầy khó khăn của tôi cũng như nhiều người dân Việt Nam thế hệ 6X, 7X, 8X. Thời bao cấp gia đình nào có được chiếc quạt như thế này là quý lắm”. 

Khách đến thăm quan và học tập ở đây sẽ được chủ nhân giới thiệu rất kỹ về nguồn gốc xuất xứ, cũng như tác dụng của những vật dụng. Đặc biệt hơn nữa, khách tham quan được sống lại những kí ức đẹp đẽ nhất của ngày xưa. Cảm nhận được vẻ đẹp thâm trầm, nhẫn nại của các hiện vật qua từng thời kỳ lịch sử của dân tộc. Ông Lê Văn Hồng, nhà ở tổ 39, phường Hồng Thái, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái thường tìm đến đây mỗi khi rảnh rỗi để tìm lại kí ức của mình khi xem những đồ vật được ông Luận sưu tầm. Ông Hồng chia sẻ: “Khi xem tất cả những đồ vật này tôi đều nhận thấy, những thứ này không chỉ là những vật dụng, mà gắn liền với nó dường như còn có mồ hôi, có nước mắt, có cả tâm hồn, tình cảm của những người đã từng gắn bó với nó”.

Cũng chính vì giá trị văn hóa truyền thống của những đồ vật và sự nhiệt tình của chủ nhân hiếu khách nên cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết học sinh trường Tiểu học Kim Đồng, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái lại có mặt đông đủ tại gia đình ông. Đến đây, các em được tận mắt ngắm nghía những vật dụng rất đỗi thân thuộc, gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của thế hệ ông, cha trước kia. Theo cô Lâm Thị Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 3C, trường Tiểu học Kim Đồng, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái, việc tổ chức các cuộc tham quan như vậy không chỉ giúp giáo viên củng cố thêm tư liệu quý cho bài giảng mà còn giúp các em được trải nghiệm thực tế quá trình lao động sản xuất, đời sống xã hội trước đây. Qua đó, giúp các em biết quý trọng, nâng niu những hiện vật, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Bài, ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.