Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 08:47:51

Di tích thờ Nữ tướng Lê Ngọc Trinh

Ngày đăng: 22/11/2017

Cụm di tích thờ Nữ tướng Lê Ngọc Trinh (có tài liệu ghi là Lê Ngọc Chinh) gồm đình Đông, đình Nam, đình Hòa Loan và đền Ngòi thuộc xã Lũng Hòa – một xã lớn nằm ở phía Bắc của huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Đây đều là các công trình thuộc kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, được nhân dân địa phương xây dựng nên để phụng thờ, tôn vinh, tưởng nhớ vị nữ tướng Lê Ngọc Trinh.

Nét cổ kính của Đền Ngòi.

Theo truyền thuyết, Lê Ngọc Trinh là con gái thứ hai của ông bà Lê Hoàn, Nguyễn Thị Tần, người làng Lũng Ngoại (xưa gọi là Lũng Ngòi). Sinh được hai con gái, đặt tên cho cô chị là Ngọc Thanh, cô em là Ngọc Trinh, tục gọi là Ả Chàng và Ả Chạ. Mối thù nhà với quân đô hộ nhà Hán, Ngọc Trinh đã nuốt hận để ra sức học tập binh pháp, ngầm tập hợp dân binh. Bà được mọi người tôn làm chủ soái, lấy Đàm Luân làm soái sở, tế cờ, lập thành giang sơn riêng, không tuân thủ lệnh của Phủ Thái thú, không chịu nộp sưu dịch, thuế khóa cho chúng.
Năm 20 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi “Đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng, Bà kéo quân về hội quân với Hai Bà, giương cao cờ khởi nghĩa chống quân Tô Định. Bà được Trưng Trắc ngợi khen và trao cho ấn Tả Tướng quân. Bà đã đánh thắng nhiều trận, lập được nhiều chiến công lớn, trong đó phải kể đến trận cướp đoàn thuyền lương của giặc (do Lưu Ưng Khâm chỉ huy) ở đoạn sông Hồng thuộc xã Cao Đại ngày nay. Bà được Trưng Trắc phong đến Đại Tướng quân, chiến đấu ở mặt trận Tây Vu. Dưới sự chỉ huy thông minh, tài tình của bà, hàng chục thành lũy của quân giặc đã về tay quân ta. Một vùng đất rộng mênh mông từ sông Lô đến sông Gâm sạch bóng quân xâm lược. Bà trở thành vị tướng có nhiều mưu lược, kế sách và dũng cảm, là một trong hai mươi vị tướng tài giỏi dưới thời Hai Bà Trưng, được ban cho tám chữ vàng “Quần thoa hào kiệt – Dũng lược tuyệt trần” và một chiếc trống đồng lớn làm hiệu lệnh trong quân. Dẹp xong giặc Tô Định, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Lê Ngọc Trinh làm Ngọc Phượng Công chúa và cử Bà về trấn giữ nơi quê nhà.
Năm 43, tướng Hán là Mã Viện cử Lưu Long đem quân đến đánh Đàm Luân. Một trận đánh lớn đã diễn ra tại Gò May (thuộc thôn Hòa Loan ngày nay). Do thế giặc quá mạnh, quân tiếp viện chưa kịp ứng cứu, quân ta dần rơi vào thế bị động. Bà bị dồn đến bờ Đầm Sen. Biết cơ sự không còn cứu vãn được nữa, Bà đã nhảy xuống Đầm Sen tuẫn tiết. Năm ấy, Bà vừa 23 tuổi. Tên tuổi và công trạng của bà đã được nhân dân lưu truyền với niềm kính phục và biết ơn sâu sắc. Năm 1994, di tích được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.
VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.