Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 07:44:36

Di tích khu tưởng niệm chiến thắng Cầu Cả

Ngày đăng: 22/01/2019

QK2 – Không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, phát xít Nhật liên tục cho quân tấn công vào những vùng chính quyền cách mạng đã được thành lập. Đầu tháng 6 năm 1945 chúng dùng 2 cánh quân tiến đánh Châu Khánh Thiện. Tuy nhiên, trận đánh các ngày 2, 14 và 24 – 6 – 1945, tại Cầu Cả, quân Nhật lọt vào trận địa phục kích của ta, bị nhiều thương vong, buộc quân Nhật phải  rút về Tuyên Quang theo đường bộ và đường thủy. Chiến thắng Cầu Cả oanh liệt đã góp phần đập tan âm mưu bao vây, tiêu diệt căn cứ địa cách mạng của Nhật, bảo vệ an toàn chính quyền và cuộc sống của nhân dân.

Di tích chiến thắng Cầu Cả.

Cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Ngày 7 – 10 – 1947, quân Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”  của Trung ương Đảng. Quán triệt Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Khu 10, Tỉnh uỷ Tuyên Quang chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực nhanh chóng triển khai trận địa đón đánh địch.

Tiểu đoàn 718 thuộc Trung đoàn 112 Hà Tuyên do đồng chí Phương Cương chỉ huy từ Đầm Hồng cấp tốc vượt sông Gâm về Yên Nguyên phối hợp với dân quân du kích xã Yên Nguyên, Hoà Phú tổ chức chiến đấu.

Đại bộ phận bộ đội ta phục kích cách cầu Cả 500m về phía Chiêm Hoá; một đại đội làm nhiệm vụ khoá đuôi, một đại đội làm nhiệm vụ chặn địch chạy ngược Chiêm Hoá. Chiều ngày 5 – 11 – 1947, địch vào khu vực quân ta bố trí trận địa. Đồng chí Lê Thùy dùng súng trung liên bắn thẳng vào đội hình địch, các bộ phận đồng loạt nổ súng. Đội hình địch rối loạn, xác chết ngổn ngang, lâu sau địch mới hoàn hồn bắn trả như vãi đạn. Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt, trận đánh kết thúc. Khoảng 100 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, một số khác bị thương, ta thu được nhiều tiểu liên, súng trường, cối 81, đạn dược và đồ dùng quân sự. Hoang mang, hoảng loạn cộng với trời tối địch không dám hành quân tiếp.

Sáng 6 – 11- 1947, địch rút về chợ Bợ, một bộ phận trú lại, một bộ phận ra Pắc Nhụng theo canô về Tuyên Quang. Đêm 7 – 11 – 1947, Tiểu đoàn 718 tổ chức tập kích địch diệt thêm một số tên. Sáng hôm 8 – 11- 1947, địch dùng một đại đội phản công vào sở chỉ huy của ta, cuộc chiến đấu diễn ra hơn 20 phút, địch bỏ mạng 8 tên, một số khác bị thương, số còn lại tháo chạy ra Km 31.

Những trận đánh liên tiếp từ cầu Cả đến chợ Bợ tiêu diệt được hàng trăm tên địch, đẩy chúng ngày càng lún sâu vào thế bị động. Chiến thắng Cầu Cả trong Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947 đã góp phần tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ an toàn Bác Hồ, Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.

Năm 2001, di tích khu tưởng niệm chiến thắng Cầu Cả thuộc thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

VŨ HƯƠNG (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.