Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:59:48

Đẩy mạnh xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin

Ngày đăng: 05/05/2016

Nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý và phục vụ việc đối chiếu, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; phục vụ công tác xây dựng và thực hiện chế độ chính sách đối với liệt sỹ và thân nhân nhân liệt sỹ, từ đầu năm 2016, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã tổ chức điều tra về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc tổ chức rà soát, kiện toàn hồ sơ, lập danh sách liệt sỹ, sơ đồ mộ liệt sỹ; kết luận số hài cốt liệt sỹ đã quy tập, số chưa quy tập và xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp về liệt sỹ, mộ liệt sỹ còn nhiều hạn chế. Nhiều hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập và nhiều mộ liệt sỹ chưa đầy đủ thông tin. Chính vì vậy, triển khai Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang gấp rút triển khai công tác điều tra thông tin về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức quy tập hài cốt liệt sỹ về Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

Tổ chức quy tập hài cốt liệt sỹ về Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Ảnh: Văn Thành Chương

Đối tượng điều tra đợt này là: Liệt sỹ (thông tin về liệt sỹ); thân nhân liệt sỹ (thông tin thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp); thông tin về người được lấy mẫu sinh phẩm làm giám định ADN (thông tin thân nhân liệt sỹ lấy mẫu sinh phẩm làm giám định); mộ liệt sỹ (thông tin mộ liệt sỹ) và nghĩa trang liệt sỹ.

Theo hồ sơ quản lý của ngành LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh có 830 liệt sỹ, trong đó có 734 liệt sỹ có hồ sơ gốc và 96 liệt sỹ có hồ sơ sao. Để thực hiện công việc khá phức tạp này, Sở LĐ-TB&XH đã tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức các huyện, thị xã, thành phố nội dung cơ bản của cuộc điều tra. Đến nay, công tác điều tra đã hoàn thành được 50% trong tổng số 734 liệt sỹ (chỉ điều tra những liệt sỹ có hồ sơ gốc). Hiện đã có 7/10 đơn vị huyện, thị và thành phố báo cáo xong việc điều tra, với tổng số 374 gia đình liệt sỹ. Đối với việc điều tra mộ liệt sỹ (gồm có 4 huyện, thị xã quản lý, gồm: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa và TX. Mường Lay) và nghĩa trang liệt sỹ (do Sở LĐ-TB&XH quản lý), đến nay đã có 6.553/6.649 mộ liệt sỹ đã điều tra xong, hiện còn 96 mộ tại huyện Điện Biên và Tủa Chùa đang thu thập dữ liệu. Nguyên do nhiều thân nhân liệt sỹ (bố, mẹ, chồng, vợ hoặc con) không còn sống. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin theo yêu cầu của tiêu chí điều tra cũng gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Biên: Một số liệt sỹ có thân nhân thờ cúng là cháu họ, hoặc người lớn tuổi nên không biết, hoặc nắm không chính xác thông tin liên quan về liệt sỹ như: ngày, tháng, năm sinh, về người có quan hệ huyết thống để giám định ADN; một số liệt sỹ không còn thân nhân để kiểm tra ADN khi cần thiết. Trong khi đó, nguyên tắc của phương pháp giám định gen là lấy mẫu ADN của bộ phận xương cứng và đối chiếu với mẫu ADN của người họ hàng thuộc dòng mẹ (có thể là anh chị em cùng mẹ, bác, dì thuộc bên mẹ…), nhưng với thân nhân liệt sỹ là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó nắm được mối quan hệ gia đình.

Ông Phạm Hoài Nam, Phó phòng Chính sách Thương binh liệt sỹ và Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Yêu cầu của cuộc điều tra là phải gặp trực tiếp thân nhân liệt sỹ để nắm bắt chính xác các thông tin, nhất là phải xác định đâu là thân nhân chủ yếu, thân nhân thờ cúng, xác định liệt sỹ đã tìm thấy mộ hay chưa, thông tin về mộ liệt sỹ có trùng khớp với hồ sơ đang quản lý, tìm được người lấy mẫu sinh phẩm để “tìm lại” tên tuổi cho các liệt sỹ, cũng như điều chỉnh thông tin bia mộ. Song phần lớn thân nhân liệt sỹ không nhớ các thông tin liên quan để trả lời, các điều tra viên phải tra cứu hồ sơ gốc lưu tại Sở LĐ-TB&XH để cập nhật thêm thông tin, sau đó trở về địa phương gặp gỡ thân nhân liệt sỹ nắm bắt thêm thông tin ghi vào phiếu điều tra.

Để thuận lợi cho các điều tra viên thu thập thông tin, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu sớm hoàn thành công tác điều tra, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ để phục vụ việc đối chiếu, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, làm cơ sở phục vụ công tác quản lý thống nhất trên toàn tỉnh và thực hiện các chính sách đối với liệt sỹ theo quy định.

(Theo VĂN TÂM – Điện Biên online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.