Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 03:40:05

Đất đai là sở hữu của toàn dân

Ngày đăng: 18/05/2023

QK2 – Thực hiện Nghị quyết số 671 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã có nhiều bài viết xuyên tạc, kích động người dân phản đối và xuyên tạc quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các sở, ban, ngành và các tổ chức trên địa bàn tỉnh đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: CTV

Trên trang mạng Chân trời mới Media, đối tượng Ng.T.Th cho rằng: “Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước vẫn khăng khăng chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân, nghĩa là chẳng người dân nào có quyền sở hữu, nên chẳng người dân nào hưởng lợi trọn vẹn từ đất đai của cha, ông”. Đây là một lập luận hoàn toàn sai lầm, bởi Điều 53, Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Hiến pháp năm 2013 cũng chỉ rõ: Đất đai là một bộ phận quan trọng của lãnh thổ quốc gia Việt Nam, được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã bỏ ra biết bao công sức khai phá, cải tạo đất, cũng như xương máu để gìn giữ từng tấc đất của quốc gia. Vì vậy, đất đai phải thuộc sở hữu chung của toàn dân, không thể thuộc về bất cứ một cá nhân, tổ chức nào. Như vậy, sở hữu đất đai của toàn dân là phù hợp với thực tiễn và lịch sử Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, chỉ có sở hữu đất đai toàn dân mới đem lại lợi ích thật sự cho đại đa số Nhân dân!

Vậy nên, việc khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là cơ sở quan trọng bảo đảm cho thành phần kinh tế nhà nước giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, giữ vững định hướng XHCN; đồng thời sẽ tạo khoản thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, các loại thuế liên quan đến đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành kinh tế phát triển. Nếu duy trì tư hữu về đất đai tất yếu sẽ nảy sinh tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công trong xã hội, dẫn tới sự cản trở quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Điều này hoàn toàn trái ngược với bản chất XHCN của Nhà nước Việt Nam. Như vậy, đất đai thuộc sở hữu toàn dân sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đại bộ phận Nhân dân chứ không phải “chẳng người dân nào hưởng lợi trọn vẹn từ đất đai của cha, ông” như lập luận của các thế lực thù địch nêu trên!

Từ cơ chế, thực tiễn thực hiện Luật Đất đai năm 2013 ở một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế gây bức xúc trong dư luận xã hội, như: Việc nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ở một bộ phận cán bộ, công chức có liên quan đến đất đai; việc “thổi’ giá đất gây sốt đất và “bong bóng” bất động sản thời gian qua; đặc biệt là một số cá nhân hưởng lợi lớn từ giá đất trong các dự án chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị và giá đền bù cho người nông dân chưa thỏa đáng đã gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài tại nhiều địa phương… Chính những hạn chế, bất cập này là cơ sở thực tiễn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 671 ngày 23/12/2022 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó, Chính phủ cũng cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 170/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Mục đích của việc lấy ý kiến là nhằm phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân vào hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được mở rộng, bao gồm đông đảo các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc…

Như vậy, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết để khẳng định tầm quan trọng của việc sở hữu đất đai toàn dân. Qua đó, giúp Chính phủ có thêm căn cứ để đề xuất, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong thực hiện Luật Đất đai. Chính vì vậy, mỗi công dân cần phát huy quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước trong việc đóng góp những ý kiến tâm huyết vào hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời, cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những bài viết xuyên tạc về việc lấy ý kiến góp ý của Nhân dân, cũng như những thông tin sai trái, kích động, gây rối của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta.

VŨ HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.